> Định hướng nhân sự mới: Lao động tự do
Do đặc thù công việc, xu hướng Freelance ở ta hiện nay tập trung vào hai nhóm nghề chính: nhóm thiên về sáng tạo như sản xuất âm nhạc, đạo diễn chương trình, tổ chức sự kiện, nhiếp ảnh gia, thiết kế (đồ họa, nội thất, thời trang, …), kiến trúc sư, stylist, viết báo, PR, copywriter...; nhóm thứ 2 gồm những nghề đòi hỏi sự đào tạo bài bản chuyên sâu và dày dạn kinh nghiệm, như tư vấn luật, tư vấn thành lập - tái cấu trúc doanh nghiệp, kế toán, bác sỹ, dịch thuật, lập trình, IT…
Là một Freelancer được nhiều người - công ty biết đến và tin cậy, đồng nghĩa với chuyện bạn dễ dàng nắm được những hợp đồng lớn, bỏ túi vài ngàn đô chỉ trong một tháng. Sau một lần “trúng quả”, bạn có thể vi vu du lịch đâu đó cả tuần lễ nghỉ xả hơi lấy lại năng lượng mà chẳng cần phải nộp đơn xin phép ai. Nghe thật hấp dẫn và đầy hoa hồng phải không?
Tuy nhiên, đấy mới chỉ là một mặt của vấn đề. Tự do không có nghĩa là rảnh rỗi, bạn phải biết cách sử dụng sự tự do ấy đạt hiệu quả tối đa. Freelance đồng nghĩa với mọi gánh nặng trách nhiệm đều trút lên vai bạn, bạn vừa làm chủ, vừa làm công cho chính mình, lại kiêm thêm kế toán thu chi và hàng trăm việc lặt vặt khác. Nếu thiếu kỷ luật, không khéo quản lý về thời gian và công việc, mọi kế hoạch của bạn sẽ bị phá sản từ lúc nào không biết.
Freelance cũng đồng nghĩa với việc đối mặt rủi ro. Bạn không được hưởng mức lương ổn định cùng những phụ cấp, đãi ngộ của công ty nào cả, hoặc nếu bạn thất bại trong một kế hoạch gì đấy, không ai khác ngoài chính bạn phải “đứng mũi chịu sào”, chịu trách nhiệm tất cả thiệt hại, và dĩ nhiên, sẽ chẳng còn ai dám thuê bạn lần sau. Có lẽ vì vậy mà không ít người gọi Freelance là nghề “không có hậu”, không bảo đảm cho tương lai.
Quan trọng nhất, Freelance đồng nghĩa với vốn sống, bề dày kinh nghiệm và chuyên môn sâu trong công việc. Hiếm ai vừa tốt nghiệp đã trở thành một Freelancer giỏi. Ít nhất, họ phải trải qua vài năm trong một vài công ty lớn nhỏ, có những sản phẩm chất lượng tốt, đạt đến độ chín nhất định về nghề nghiệp, tạo được biên độ quan hệ rộng… Ngoài ra, để thực sự thành công, một Freelancer bao giờ cũng phải có chiến lược marketing bản thân hiệu quả, biết tạo dấu ấn riêng, tiếp thị thương hiệu của chính mình, đó là chưa kể một loạt kỹ năng thuyết trình, đàm phán, kỹ năng làm việc nhóm với các freelancer khác trong cùng dự án...
Freelance, trong một lúc nào đó, đã trở thành trào lưu của một số cá nhân tự tin vào năng lực bản thân, không chịu nổi áp lực gò bó của công ty. Trong số họ, chỉ có rất ít người thành công, bởi “yếu mà ra gió”, không phải ai cũng đáp ứng được những đòi hỏi của nghề Freelance, và bởi mặt trái của hoa hồng chính là… đá tảng, vì ngay cả những Freelancer dày dạn kinh nghiệm, nhiều khi cũng cảm thấy mệt mỏi sau quãng thời gian “lăn lộn” với nghề kiểu “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, khi thì công việc không xuể, phải chạy đua với thời gian đến mức làm qua quýt ẩu tả mất cả uy tín, lúc lại “mất mùa” ngồi không “há miệng chờ sung”, chẳng kiếm được đồng nào suốt mấy tháng trời. Hơn nữa, ngày càng nhiều cạnh tranh trong nghề Freelance, thậm chí có cả chuyện phá giá, giành mối, nhận việc với giá rẻ mạt… Vậy là, như con chim mỏi cánh, họ tìm về với sự ổn định ở một công ty nào đấy đáp ứng được những đòi hỏi (khá cao) của họ.
Bản thân công việc Freelance không có gì sai, vấn đề là lựa chọn của bạn có đúng hướng và phù hợp với bản thân không. Nếu là người thích… phiêu lưu và cá tính mạnh, đủ bản lĩnh đối phó với những biến cố, có thể Freelance sẽ là con đường thích hợp với bạn. Còn nếu bạn mong muốn cuộc sống êm đềm, công việc và thu nhập ổn định, thì hãy chung thủy với lựa chọn “người của công ty”. Được và mất, đá hộc hay hoa hồng, tùy bạn thôi.
Theo Vietnamworks