Lạm dụng kháng sinh chẳng khác gì dùng chất cấm

Lạm dụng kháng sinh không khác gì dùng chất cấm.
Lạm dụng kháng sinh không khác gì dùng chất cấm.
TP - “Các sản phẩm phải phục vụ sức khỏe người tiêu dùng và nếu mình làm hại sức khỏe người tiêu dùng đó là cái tội. Chất cấm chúng ta đã đưa vào hình sự hóa. Dùng kháng sinh quá nhiều cũng là một loại chất cấm”- PGS.TS Hoàng Văn Tiệu, nguyên Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trao đổi với Tiền Phong về vấn đề lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, ngày 12/4.

Theo TS Tiệu, lâu nay, các nước trên thế giới chủ yếu dùng kháng sinh để phòng bệnh, chữa bệnh, ít nơi dùng kích thích sinh trưởng. Trong đó, mục đích chính là phòng bệnh. Theo quy trình cũ, kháng sinh được dùng phòng bệnh cho vật nuôi lúc thời tiết thay đổi, khắc nghiệt hoặc vùng có dịch. Liều dùng cho phòng thường nhỏ hơn với liều chữa bệnh. “Còn trong quy trình mới đang hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, tập trung cải thiện môi trường, vệ sinh chăn nuôi, dùng vaccine phòng bệnh là chủ yếu”-TS Tiệu nói.

TS Tiệu cũng cho rằng, kháng sinh là “con dao hai lưỡi”, nếu dùng đúng liều, đúng quy trình có thể phòng bệnh, nhưng lạm dụng quá, sẽ tác dụng ngược, là hạn chế sự phát triển của gia súc, gia cầm, lại tồn dư trên thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Liên quan đến việc sử dụng kháng sinh dùng để kích thích tăng trưởng, TS cho biết, thế giới họ cho phép dùng, đương nhiên chúng ta vẫn dùng được. Tuy nhiên, liều lượng và thời gian dừng sử dụng trước khi giết mổ ra sao cần theo dõi, giám sát kỹ. “Quan trọng là khâu giám sát sử dụng kháng sinh phải siết chặt. Người dân cứ thấy cái lợi trước mắt là dùng ào ào. Hơn nữa, người bán thuốc đôi khi họ cũng nói quá về dịch bệnh, còn nhà chuyên môn, khi chưa đáng dùng họ lại cho kháng sinh để “bao vây” dịch nhiều quá, khiến tình trạng lạm dụng kháng sinh cao”- ông nói.

Theo TS Tiệu, khi sử dụng TACN của một hãng nào đó, người nuôi cứ tưởng lợn, gà ít bệnh hơn chút là thích, nhưng thực ra, có thể họ đã dùng nhiều loại kháng sinh trong đó. Đó là lạm dụng kháng sinh, và gây tồn dư cao trên thực phẩm. “Các công ty cám đã không tuân thủ việc cho phép sử dụng bao nhiêu, liều lượng ra sao. Cái này, phải giám sát và xử phạt thật nặng đối tượng vi phạm, kể cả các cơ sở tự trộn thức ăn trong chăn nuôi” -TS Tiệu nói.

Theo ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, nước ta lắm bệnh tật, nên trong chăn nuôi phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, phải dùng có liều lượng, đặc biệt phải dừng cho ăn loại thức ăn có kháng sinh trước khi xuất chuồng. Ông Lịch đề xuất: “Chỉ nên cho phép sử dụng kháng sinh trong TACN phù hợp với lợn khoảng 60 kg trở xuống. Còn thức ăn cho lợn từ trọng lượng này trở lên thì không nên cho dùng, vì nguy cơ tồn dư kháng sinh trong thịt lợn rất cao. Và khi đến tay người tiêu dùng thì nguy hiểm”. 

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.