Lâm Đồng tìm giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mặc dù đã giảm nhanh số hộ nghèo trên địa bàn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng vẫn còn cao.
Lâm Đồng tìm giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số ảnh 1

Người dân chuyển đổi một phần diện tích cà phê già cỗi sang trồng rau để tăng thu nhập

Qua rà soát hộ nghèo, cận nghèo đến cuối năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, Lâm Đồng có 9.731 hộ nghèo, chiếm 2,87% dân số; trong đó, có tới 6.739 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,55%; tỷ lệ hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số còn 10,41%.

Trước tình hình đó, theo UBND tỉnh Lâm Đồng, để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1,0 - 1,5%/năm như trong Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị đã đề ra (để phát triển vùng Tây nguyên đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045), địa phương sẽ tập trung lồng ghép nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội; lấy phát triển kinh tế làm trọng tâm để giảm nghèo bền vững.

Tỉnh cũng chú trọng triển khai các dự án giảm nghèo nhằm hình thành những vùng sản xuất cho năng suất chất lượng cao, tạo động lực phát triển; các chương trình đa dạng sinh kế cho người dân bằng các loại cây trồng, vật nuôi mới; khuyến khích bà con vùng sâu vùng xa làm tốt công tác nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng để có thêm thu nhập…

Lâm Đồng cũng đổi mới phương thức hỗ trợ cho các hộ nghèo bằng cách hình thành các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ gia đình, cộng đồng dân cư…) để đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người nghèo.

Tỉnh còn vận động nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” tạo nguồn lực để hỗ trợ những người nghèo khổ, gặp hoạn nạn vượt qua nghịch cảnh, từng bước ổn định cuộc sống.

MỚI - NÓNG