Lãi suất liên tục giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãi suất tiết kiệm và cho vay liên tục được các ngân hàng công bố giảm về mặt bằng mới. Tuy nhiên, hiện nay với những khoản vay cũ, mức giảm lãi suất cho vay chưa theo kịp với mức hạ lãi suất tiết kiệm. Việc tiếp cận vốn được nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn gặp khó khăn.

Tính từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần hạ lãi suất điều hành, góp phần khiến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm theo. Đến nay, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước có mức giảm sâu nhất, từ 1 - 1,15%/năm cho lãi suất huy động và giảm 1,5 - 2%/năm cho mức lãi suất cho vay. Các ngân hàng còn lại đều có mức giảm bình quân từ 0,5 - 0,65%/năm.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website của 34 ngân hàng trong nước ngày 12/7 cho thấy, lãi suất huy động cao nhất đang được áp dụng là 7,9%/năm được Ngân hàng Bảo Việt niêm yết cho kỳ hạn 13 tháng.

Một số ngân hàng nhỏ cũng đang có mức lãi suất huy động cao ngang BaoVietBank như GPBank (7,85%), PVComBank (7,8%), OceanBank (7,8%), Saigonbank (7,8%) cho cùng kỳ hạn.

Thống kê cho thấy, hiện chỉ còn 14 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động cao nhất từ 7,5%/năm trở lên. Các ngân hàng còn lại trong hệ thống đã đưa lãi suất huy động cao nhất xuống dưới mức 7,5%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất tại nhóm ngân hàng tư nhân dao động trong khoảng 7 - 7,3%/năm. SHB áp dụng mức lãi suất 7,2%, MB công bố 7,1%, Techcombank áp dụng 7,1%, VPBank 7,1%.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank có lãi suất huy động cao nhất chỉ ở mức 6,3%/năm cho kỳ hạn gửi 12 tháng.

Lãi suất liên tục giảm, vì sao doanh nghiệp vẫn khó vay? ảnh 1

Dệt may đối diện khó khăn chưa từng có. Ảnh: Như Ý.

Việc lãi suất đầu vào tiết kiệm giảm là động lực giảm lãi suất cho vay. Trong tháng 7, lãi suất cho vay các ngân hàng liên tục giảm và được áp dụng cho các gói vay từ mới đến cũ. Cụ thể, với khách hàng mới, VPbank đưa mức lãi vay về 12,5%/năm, VID 12%/năm; BIDV 11,5%/năm; Vietcombank 10.5%, Sacombank 8,99%/năm; Techcombank 10,59%/năm; TPBank 8,0%/năm...

Tuy nhiên, với khoản vay cũ, nhiều ngân hàng dù giảm lãi suất nhưng vẫn có những trường hợp đang phải chịu lãi vay lên tới 14-15%/năm.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đoàn Tiến Dũng - Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà - chia sẻ, chưa bao giờ ngành dệt may lại khó khăn như hiện nay. “Đơn hàng chỉ tính theo tháng, mức giảm bình quân 50 - 60% so với năm 2019 nên doanh thu cũng giảm tương ứng. Các doanh nghiệp phải tìm kiếm thị trường mới, làm cả sản phẩm không phải là thế mạnh, miễn là có đầu ra để tạo việc làm cho người lao động. Một số doanh nghiệp quay lại tìm kiếm cơ hội từ thị trường nội địa nhưng việc này cũng không dễ”, ông Dũng cho biết,

Theo ông Dũng, doanh nghiệp đang chịu lãi vay từ 4-5%/năm với khoản vay bằng USD.

"Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài đến hết sang năm sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản. Bản thân công ty đang phải cố gắng duy trì hoạt động dù đơn hàng giảm, làm không có lãi. Chúng tôi vẫn cần thêm tiền để trả lương công nhân. Tôi kiến nghị ngân hàng nên có cách đảo nợ, nâng hạn mức cho doanh nghiệp dệt may chứ giờ muốn vay mới phải chứng minh kế hoạch kinh doanh và tài sản thế chấp. Với các yêu cầu này, doanh nghiệp sẽ không đáp ứng được", ông Dũng nói và cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng rất chia sẻ với ngân hàng bởi lúc ngân hàng huy động lãi suất tiết kiệm cao phải cho vay cao .

Ông Hoàng Văn Vinh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A Ekatenrinburg - thông tin, hoạt động du lịch của Nha Trang vẫn chưa sôi động trở lại như kỳ vọng và mới chỉ có 20% khách sạn tại đây mở cửa đón khách.

"Hiện đã có doanh thu nhưng hằng tháng doanh nghiệp của tôi vẫn phải phải bù lỗ, trả hàng loạt chi phí như điện, nước, nhân viên... Doanh nghiệp đang có dư nợ ngân hàng nhưng vẫn có nhu cầu vay thêm. Tôi có tài sản thế chấp bằng bất động sản nhưng lại không đáp ứng được điều kiện về phương án kinh doanh. Thực sự để được ngân hàng duyệt cho vay thêm rất khó", ông Vinh nói.

Một lãnh đạo ngân hàng trong nhóm Big 4 cho hay, hiện ngân hàng cũng gặp khó trong tìm doanh nghiệp để cho vay vốn. Ngân hàng huy động vào mà không cho vay được cũng "chết".

Mới đây, Chính phủ tiếp tục giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng phù hợp... để ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay, phấn đấu giảm ít nhất khoảng từ 1,5-2% nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa công bố điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay cho các tổ chức tín dụng, với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.

MỚI - NÓNG
Vua Charles và Hoàng tử William tại lễ chuyển giao. (Ảnh: Reuters)
Vua Charles phong hàm cho Hoàng tử William
TPO - Vua Charles của Anh vừa chuyển giao vị trí cấp cao trong quân đội cho con trai ông là Hoàng tử William tại buổi lễ diễn ra ngày 13/5. Đây là lần xuất hiện hiếm hoi của hai người từ khi Vua Charles trở lại thực hiện nghĩa vụ sau thời gian điều trị bệnh ung thư.