Hấp dẫn nhưng khó tiếp cận
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, lãi suất cơ bản hiện nay trong khoảng 8-13%/năm, giảm từ 1-3% so với trước. Như tại VIB (9,3-11,5%/năm); VietBank (11-12%/năm); Eximbank (8,8-10,1%); VPBank (10,6-12,6%/năm)…
Không chỉ giảm lãi suất vay, nhiều ngân hàng còn tung ra các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể, ngân hàng Techcombank với lãi suất cơ sở đang ở mức 10,25%-10,85%/năm, ngân hàng cũng tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu; VietinBank công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023…
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ lo khó tiếp cận gói vay lãi suất thấp (ảnh tại Công ty cà phê nông sản Meet More). |
Tuy phấn khởi khi biết thông tin nhiều ngân hàng giảm lãi suất vay, nhưng không ít doanh nghiệp sản xuất vẫn băn khoăn lo khó tiếp cận các gói vay lãi suất thấp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, trong năm 2021, lãi suất cho vay ngắn hạn được cố định ở mức 6,5%-7%/năm, nhưng hiện lãi suất cho vay đã tăng rất mạnh.
Ông Luận cho rằng, một số ngân hàng thông báo giảm lãi suất cho vay chủ yếu chỉ dành cho một số ít khách hàng “siêu VIP”, chứ những công ty nhỏ và vừa thì không dám mơ được vay với mức lãi suất thấp. Bởi với các yêu cầu về doanh số, chỉ tiêu lợi nhuận… thì doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ rất khó để thỏa các điều kiện mà ngân hàng đưa ra.
Ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn - cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu hiện nay chỉ có nhu cầu giảm lãi suất chứ không có nhu cầu vay mới. Bởi lẽ, các doanh nghiệp đang phải cạnh tranh khá gay gắt, họ buộc phải nhận đơn hàng với giá thấp để tạo việc làm cho người lao động. Do đó, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp không nhiều.
Hỗ trợ doanh nghiệp cách nào?
Chia sẻ với báo PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, thời gian qua, một số ngân hàng thương mại đã và đang triển khai các gói tín dụng với quy mô từ 1.000 tỷ đồng đến trăm ngàn tỷ đồng để cho vay ưu đãi, với lãi suất thấp hơn từ 0,5-1%/năm, hoặc giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng là những hành động cụ thể, thiết thực để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, đồng thời tung nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp. |
“Bên cạnh thực hiện những cơ chế chính sách và chương trình tín dụng ưu đãi như gói hỗ trợ 2% lãi suất; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên. Việc tuân thủ nghiêm các quy định và thực thi đầy đủ, nghiêm túc chính sách tiền tệ tín dụng và ngoại hối của Ngân hàng Trung ương sẽ là những hành động cụ thể để ngành ngân hàng thực hiện tốt nhiệm vụ năm, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trực tiếp hỗ trợ DN” - ông Lệnh cho biết.
Theo ông Lệnh, việc giải ngân các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm lãi suất cho doanh nghiệp sẽ hỗ trợ và bổ sung cho các công cụ điều hành khác của ngân hàng trung ương, tạo điều kiện phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất, cũng như tạo dư địa của chính sách, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành, nhiệm vụ của ngân hàng trung ương ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.