Lãi suất huy động USD tăng: Nỗi lo không chỉ riêng ai

Lãi suất huy động USD tăng: Nỗi lo không chỉ riêng ai
Diễn biến gần đây nhất: Lãi suất huy động USD của một số NH (BIDV, VCB, SeABank, ABBank) tăng từ 0,15-0,5%/năm. Mức lãi suất cao nhất hiện nay là 4,15%/năm của Habubank... Lãi suất huy động USD tăng, nỗi lo không chỉ riêng ai.

Trong cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế của thế giới vừa qua, cũng như các nước đang phát triển (đặc biệt là các nước xuất khẩu (XK) và nhận vốn đầu tư nước ngoài), Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh do thị trường XK bị thu hẹp lại, điều này đã làm ảnh hưởng dây chuyền tới các ngành khác trong nước. Vì vậy, nhu cầu vay vốn USD để nhập khẩu (NK) giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất (HTLS) 4%/năm cũng khiến nhu cầu vay USD giảm khá mạnh. LS cho vay VND sau khi được HTLS còn khoảng 6%/năm, tương đương LS cho vay USD.

Mặc dù từ ngày 1/6/2009, các NHTM đồng loạt giảm LS cho vay USD xuống còn 3%-5%/năm, nhưng do lo ngại về biến động tỉ giá (khoảng thời gian này tỉ giá trên thị trường tự do biến động với xu hướng tăng, tâm lý kỳ vọng USD lên giá lớn), các DN NK ít vay ngoại tệ, chuyển sang vay VND rồi mua ngoại tệ.

Tuy nhiên, theo thông tin gần đây sang quý III nhu cầu vay của các DN, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực XNK đang có xu hướng gia tăng trở lại.

Nhu cầu NK tăng mạnh chủ yếu là nguyên vật liệu để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng trong thời kỳ kinh tế hậu suy giảm, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư, nhất là trong dịp chuẩn bị cho đón năm mới (dương lịch và âm lịch).

Để cải thiện thanh khoản ngoại tệ

LS huy động USD tăng, ngoài nhu cầu vay của DN tăng còn có nguyên nhân một số NHTM cần cải thiện thêm thanh khoản ngoại tệ bị thiếu hụt của mình. Ví dụ, một NHTMCP lớn có những khách hàng như Petro Việt Nam và một số Cty có nguồn thu ngoại tệ lớn khác đã chuyển tài khoản USD sang một NHTM nhà nước gần hết.

Như vậy, những khoản ngoại tệ mà NHTMCP nọ cho vay không phải muốn thu hồi là được (do nợ chưa đến hạn trả, việc thu nợ qua tài khoản tiền gửi của đơn vị khó...), trong khi việc chuyển khoản của khách hàng phải thực hiện tức thì... cho nên NHTMCP đó có nguy cơ thiếu thanh khoản ngoại tệ, nên phải gia tăng huy động tiết kiệm và tiền gửi USD để bù đắp.

Bên cạnh đó, trước đây nhiều NHTM bán trước ngoại tệ để chuyển hóa thành VND cho vay, nhưng nay nguồn thu XK là ngoại tệ chưa về, trong khi khách hàng rút tiền gửi lại lớn, nên các NHTM cũng phải đẩy mạnh huy động ngoại tệ để bù đắp.

Một số NHTMCP vừa và nhỏ trước đây chưa chú trọng nhiều đến huy động USD vì nhu cầu vay của khách hàng ít, nay nhu cầu vay USD của khách hàng tăng nên cần có ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nếu không sẽ bị mất khách hàng.

Với tư cách là người cho vay cuối cùng, NHNN có khả năng mạnh trong hỗ trợ VND cho các NHTM, nhưng việc hỗ trợ các NHTM thiếu hụt thanh khoản ngoại tệ bị hạn chế hơn. Vì vậy muốn cải thiện khả năng thanh khoản ngoại tệ, một số NHTM phải tăng LS huy động để thu hút vốn từ dân cư và các tổ chức khác.

Nỗi lo không chỉ riêng ai

Việc sau một thời gian khá dài LS huy động USD giảm mạnh (có thời điểm các NHTM nhà nước đồng thuận đưa về 1,5%/năm), hiện LS USD tăng lại cũng không phải là vấn đề gì bất thường. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn, các NHTM đồng loạt tăng LS đang gây ra những lo ngại từ nhiều phía.

GĐ một chi nhánh NHTM nói: "LS huy động USD mà tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của cả DN và NH. LS huy động tăng thì LS cho vay khách hàng cũng phải tăng (LS cho vay USD cao nhất hiện đã đến mức 7,5%/năm), chi phí của DN đội lên cao. Còn NH thì giá vốn đầu vào tăng, trong khi việc mở rộng cho vay USD cũng chưa phải là dễ dàng, nên việc giải bài toán cân đối vốn và chi phí không đơn giản chút nào".

Một số chuyên gia thì đang lo ngại, nếu LS huy động USD lên cao sẽ gây thêm áp lực lên tỉ giá VND/USD (LS USD tăng có nghĩa là USD lên giá, VND vì thế bị coi là giảm giá).

Theo Thanh Hoa - Trường Giang
Lao Động

MỚI - NÓNG