Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, BIDV, Agribank và Viettinbank giảm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết của từng đơn vị tính từ ngày 27/2 với nhóm kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.
Tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần giảm 0,5%/năm so với mức lãi suất của từng ngân hàng tính từ ngày 27/2 với nhóm kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng.
Như vậy, đây là lần thứ 2 các ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất. Hồi cuối năm ngoái, các ngân hàng đã từng giảm lãi suất huy động về tối đa 9,5%/năm, bao gồm cả khuyến mãi, ưu đãi.
Theo Ngân hàng Nhà nước, mức giảm lãi suất do ngân hàng tự cân đối. Ngân hàng Nhà nước không có thông điệp yêu cầu phải giảm lãi suất huy động, bởi đây là việc kinh doanh của tổ chức tín dụng.
Trước đợt giảm lãi suất huy động sắp tới, mức lãi trên biểu chính thức cao nhất ghi nhận hiện nay là 9,5%/năm. Với kỳ hạn 12 tháng, có 5 ngân hàng áp dụng lãi suất 9,5%, gồm Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, SCB, Việt Á Bank.
Lãi suất ngân hàng trước đợt giảm đồng loạt vào tuần tới. |
Nhiều ngân hàng khác niêm yết lãi suất từ 9%/ năm trở lên cho kỳ hạn 12 tháng: NCB, Bắc Á Bank, MSB, Saigonbank, Đông Á Bank,PVComBank, OCB, Vpbank, VietBank, HDBank, ABBank, GPBank, OceanBank, VietcapitalBank, LienVietPostBank
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi cao nhất thị trường ghi nhận tại SCB là 9,5%/năm. Mức lãi trên 9%/ năm ở kỳ hạn này cũng rất phổ biến, đang được áp dụng tại Bảo Việt Bank, Kiên Long Bank, Nam Á Bank, Việt Á Bank….
Trong khi đó, lãi suất huy động tại 4 ngân hàng quốc doanh thấp hơn đáng kể. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng thấp nhất ở mức 7,4%/năm đối với hình thức gửi tiền tại quầy và trên 8% đối với hình thức gửi tiền online. Agribank và Vietcombank đang là hai ngân hàng duy trì lãi suất huy động mức thấp nhất thị trường.
Với lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, khoản chi không cần thiết để có dư địa phấn đấu giảm theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, và các chỉ đạo của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi và có biện pháp xử lý các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất.
Đợt điều chỉnh giảm lãi suất huy động sắp tới được kỳ vọng góp phần giảm lãi suất cho vay, giảm áp lực chi phí vốn đối với doanh nghiệp. Hiện đã có một số ngân hàng quyết định giảm lãi suất cho vay.
Agribank giảm tối đa 3% lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, và dành ngân sách 100.000 tỷ đồng để triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất đối với khách hàng.
VietinBank đã công bố gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn (từ ngày 1/1 - 30/4/2023) với quy mô 30.000 tỷ giúp khách hàng vay vốn với lãi suất từ 8-9%. Ngoài ra, BIDV còn có gói vay tín dụng năm 2023 (trên 12 tháng) lên tới 100.000 tỷ đồng phục vụ vay nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh. Khách hàng có thể tiếp cận vốn với mức lãi suất từ 10,3-10,9%/năm.
Còn Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023 đến hết tháng 4/2023.