Lạc đề

Lạc đề
TP - Trước thông tin đáng lo ngại về hiện tượng táo để 9 tháng, lê để 5 tháng không hỏng, ngày 25/9 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu: Trong tháng 10, Cục Bảo vệ thực vật phải phân tích, làm rõ, “thông tin cho người dân, công luận biết rõ ràng và minh bạch”.

Rất nhanh chóng, chỉ vài ngày sau đó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng đã có trả lời chính thức với công luận rằng, “táo để 9 tháng không hỏng là bình thường”. Rồi ông kết luận “khi thấy hoa quả giữ được lâu thì chưa nên vội kết luận đó là do các chất bảo quản độc hại”.

Bạn đọc hoang mang với hai chữ “bình thường” của ông Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, bởi rõ ràng với “người trần mắt thịt” đây là chuyện lạ, trước nay đâu có thấy. Đọc kỹ phần trả lời phỏng vấn của ông Hồng với báo chí, té ra “bình thường” nhưng phải với điều kiện “không bình thường”. Đó là, vẫn theo lời ông Hồng, lê, táo “không bị nhiễm vi sinh vật, sau khi thu hoạch được xử lý bằng chất bảo quản an toàn và lưu trữ ở trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm phù hợp”.

Quả táo để 9 tháng không hỏng là ở nhà bà Đặng Thị Thọ (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội), còn quả lê để 5 tháng ở phòng làm việc là của ông Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia. Lê, táo mà Bộ trưởng Phát yêu cầu ông Hồng phải làm rõ ở đây là lê, táo để trong nhà ở nhiệt độ bình thường, hoàn toàn không phải trong điều kiện lý tưởng như ông Cục trưởng đề cập. Như vậy, dường như ông Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã “trả bài” Bộ trưởng Bộ NN&PTNT “lạc đề”. Điều Bộ trưởng cũng như người dân cần làm rõ để yên tâm thì không thấy Cục trưởng đề cập, ngoài hai chữ “bình thường” gây phản ứng trong dư luận. Bằng cớ là PV Tiền Phong trong các bài báo tiếp theo đã ghi nhận ý kiến của nhiều nhà khoa học, của những nhà nhập khẩu hoa quả và người tiêu dùng, tất cả đều cho rằng đó là hiện tượng “không bình thường”.

Đáng ra, trước khi “trả bài” một cách có trách nhiệm, thật “rõ ràng và minh bạch” trước công luận theo yêu cầu của Bộ trưởng, ông Cục trưởng cần cử nhân viên đến gặp bà Thọ và ông Đà để xin lại mẫu vật đó (nếu còn). Thậm chí hỏi han thật cụ thể nguồn gốc xuất xứ hai quả táo và lê này. Sau đó gửi tới các phòng xét nghiệm để phân tích. Dựa trên kết quả rất cụ thể và khoa học, cùng với những điều tra chuyên sâu về các lô hàng hoa quả có liên quan nhập về tại thời điểm đó, khi đó may ra ông mới có thể “trả bài” Bộ trưởng và thuyết phục được người tiêu dùng cả nước yên tâm xơi táo, lê nhập từ bên kia biên giới.

Còn nhớ, trong vụ dịch cúm gia cầm hoành hành dữ dội ở nước ta hồi năm 2005 và 2007, đích thân Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ít nhất hai lần ăn thịt gà một cách ngon lành trước ống kính để cổ vũ người dân dùng lại loại gia cầm này. Những hành động thực tế đó thường có tác dụng rất mạnh mẽ hơn cả vạn lời nói. Lần này nhiều bạn đọc phản hồi về tòa soạn hỏi rằng, trong trường hợp này, liệu ông Cục trưởng có dám xơi nếu ông cho rằng “táo để 9 tháng không hỏng là bình thường”?

MỚI - NÓNG