'Lá chắn thép' của cán bộ, đảng viên

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã thể hiện quyết tâm chính trị, ý chí không khoan nhượng, để làm trong sạch Đảng, để thực sự xứng đáng là Đảng lãnh đạo cầm quyền, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng - chia sẻ với phóng viên Tiền Phong.

Cán bộ chưa biết sợ, hay do lòng tham?

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả gì trong những nhiệm kỳ qua, đặc biệt kể từ đầu Đại hội XIII đến nay, thưa ông?

- Thời gian qua, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được triển khai một cách đồng bộ, bài bản có sự kết hợp hiệu quả giữa “xây dựng” và “chỉnh đốn”. Trong đó lấy “xây” là cơ bản, chiến lược, lâu dài, còn “chống” là bức thiết, thực hiện một cách thường xuyên, mang lại kết quả, hiệu quả tích cực.

'Lá chắn thép' của cán bộ, đảng viên ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: Kinh tế đô thị).

Về “xây”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng đã ban hành rất nhiều quy định để kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa các vi phạm có thể xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nổi bật như: Quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ...

Về “chống”, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư làm Trưởng ban đã chỉ đạo nhiều vụ việc lớn, rất bài bản, có hiệu quả. Cuộc đấu tranh này đã chuyển động ở cả Trung ương và địa phương, chứ không còn tình trạng “trên nóng dưới lạnh” nữa. Nhất là sau khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, đã khởi động và làm tích cực hơn, bài bản hơn. Việc xử lý cán bộ sai phạm tiếp tục được thực hiện quyết liệt, nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, bất kể người đó là ai...

'Lá chắn thép' của cán bộ, đảng viên ảnh 2

Ông Nguyễn Thanh Long, bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan vụ Việt Á.

Dù cơ quan chức năng triển khai chống tham nhũng quyết liệt, nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng. Liệu có phải do cán bộ chưa biết sợ, hay lòng tham không đáy, hay vì lý do nào khác, theo ông?

- Đây đúng là vấn đề cần đặt ra. Tại sao chống tham nhũng làm mạnh như thế, quyết liệt như thế, nhưng cán bộ có chức quyền vẫn lao vào tham nhũng? Đã có hàng loạt cán bộ cấp cao từ bí thư, đến chủ tịch tỉnh ở nhiều địa phương đã bị bắt giam vừa qua. Tại sao lại như thế? Phải chăng việc xử lý dù đã rất quyết liệt nhưng vẫn chưa đủ răn đe? Hay vì lòng tham của con người ghê gớm quá?

Có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả cán bộ Trung ương, cán bộ địa phương. Vụ việc xảy ra trong một tỉnh không phải chỉ một, hay hai người liên quan, mà có khi còn cả một tập thể, cả một nhóm người rất lớn… Theo tôi, đây là vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, tổng kết một cách sâu sắc hơn để tìm ra nguyên nhân căn bản, từ đó làm trong sạch Đảng, để Đảng thực sự xứng đáng là Đảng lãnh đạo cầm quyền, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Đảng.

Có những “đảng viên đặc biệt”

Trong bối cảnh cuộc sống luôn vận động không ngừng, theo ông, đâu là “lá chắn thép” để cán bộ, đảng viên vượt qua cạm bẫy, cám dỗ đời thường?

- Theo tôi, trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên vẫn phải tự tu dưỡng rèn luyện chứ không có cách nào khác được. Về phía Đảng, phải tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên, kiểm soát quyền lực thật hiệu quả. Cùng với đó, tăng cường giáo dục, rèn luyện đảng viên và thử thách, theo dõi từng việc làm của họ, đặc biệt là những cán bộ có chức vụ. Những cán bộ nắm giữ quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ.

'Lá chắn thép' của cán bộ, đảng viên ảnh 3

Ông Phạm Xuân Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam do liên quan vụ Việt Á.

Cán bộ, người có chức quyền biết sai mà sao vẫn cứ lao vào như thế? Họ là những người được giao trọng trách lớn như vậy, lại được đào tạo, giáo dục, rèn luyện, thử thách rất bài bản, công phu chứ không phải tự nhiên vào được những vị trí đó. Vậy tại sao họ lại không tiếp tục con đường phấn đấu, rèn luyện của mình, tự tu dưỡng mà lại tha hóa, hư hỏng như vậy?

- Theo tôi, cái chính vẫn là ở phía cán bộ, đảng viên, không chịu tư dưỡng, rèn luyện, lại tự cho mình những quyền này, quyền kia, rồi tự cho mình đứng ra ngoài kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước, tự cho mình có những quyền đặc biệt. Nên tôi hay nói có những cán bộ hay tự coi mình là những “đảng viên đặc biệt”. Tức là họ chẳng chịu sự kiểm soát của tổ chức Đảng, chi bộ ấy. Có khi họ đến họp chi bộ với tư cách người lãnh đạo, bản thân nhiều khuyết điểm nhưng vẫn huấn thị, nhắc nhở người khác. Còn người trong chi bộ có khi biết đấy mà chẳng dám nói ra. Họ đứng ra ngoài sự kiểm soát của pháp luật, sự kiểm soát của người dân, coi thường dân. Họ cũng vô liêm sỉ, không biết trọng danh dự, quen thói hưởng thụ, xa hoa, lên được chức vụ nào đó rồi chẳng chịu làm việc, trốn tránh trách nhiệm, chỉ lợi dụng chức vụ của mình để vun vén, hưởng thụ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Vậy nên, mỗi cán bộ luôn phải “tự soi”, “tự sửa”, tự phê bình như đánh răng rửa mặt hằng ngày. Chỉ có tu dưỡng, rèn luyện, giữ trọng danh dự mới là “lá chắn” hiệu quả nhất của người cán bộ đảng viên.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG