Và là một trong số hiện vật gợi nhớ một thời đại, đất nước. Được Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp nhận nhân 2/9 năm nay.
Mỗi hiện vật, món quà trong lễ tiếp nhận đó đều như vậy, ít nhiều kể được một câu chuyện nào đó.
Hơn nửa thế kỷ trước, Trương Thị Diên một cô giáo vỡ lòng ở Quảng Bình đã che chở 25 học sinh khỏi trận bom. Các cháu an toàn nhưng lớp học bị sập, cô giáo bị thương. Thêm các thành tích công tác khác khiến cô giáo Diên được ra Hà Nội dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua, mang theo đứa con nhỏ ẵm ngửa để tiện chăm sóc. Hôm nay con gái bà đến đây cùng mẹ - Anh hùng Lao động năm 1967 Trương Thị Diên để trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh món quà nhỏ Bác tặng bà trong lần gặp Người. Bà tâm sự rằng những lời Bác dặn năm xưa khiến bà “suốt đời phấn đấu việc lớn nhỏ, làm gương cho con cháu, nuôi bốn con trưởng thành là bác sĩ, kỹ sư...”.
Giáo sư bác sĩ Hoàng Tích Trý vốn người Hà Nội du học ở Pháp, tốt nghiệp bác sĩ ở Pháp. Nghe ông Hoàng Thủy Lạc, con trai GSBS Trý kể về kỷ niệm của gia đình với Hồ Chủ tịch cũng như nguyên cớ họ quyết định tặng lại kỷ vật của Bác thì hiểu vì sao cha ông chính là một trong những nhân sĩ trí thức yêu nước sớm đi theo tiếng gọi của Hồ Chủ tịch tham gia kháng chiến kiến quốc, trở thành một Bộ trưởng Y tế đầy công lao.
Mỗi người một câu chuyện cảm động, một mẩu ký ức, mảnh ghép của thời đại. Về phía người tiếp nhận thì sao? Tri ân các đơn vị và cá nhân hiến tặng, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Vũ Mạnh Hà tiếc nuối kể lại chuyện bị hụt một bộ sưu tập như sau: Ông Phạm Công Nhuận, Việt kiều Thái Lan về nước từ 1960, từng viết thư cho bảo tàng, mời cán bộ bảo tàng đến nhà, xúc động khóc nói về ước nguyện mong một lần được đến bảo tàng để tận tay trao tặng những kỷ vật về Bác Hồ mà ông cất công sưu tầm mấy chục năm. Chưa kịp làm thì ông qua đời đầu tháng 8 vừa rồi.
Còn rất nhiều kỷ vật quí liên quan đến thời đại và đất nước đang lưu giữ trong nhân dân. Chắc chắn như thế. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử hoặc Bảo tàng Quân sự Việt Nam nếu được các chủ nhân tin cậy dẫn đến cơ duyên được sở hữu chúng, để chúng có cơ hội kể những câu chuyện lịch sử nho nhỏ thì tốt biết mấy. Cho nên mới nói, từ sự phát hiện tư liệu, hiện vật, kỷ vật quý đến lúc đưa được ra công chúng là cả một câu chuyện dài.