Kỳ tích ở Pêtapót

0:00 / 0:00
0:00
TP - Lần đầu tiên ở cụm dân cư Pêtapót (xã Đắc Pring, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) nằm biệt lập giữa núi rừng, một “Mái ấm biên cương” kiên cố đã được dựng lên. Công trình lịch sử chào mừng Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, mang dấu ấn quyết tâm, đoàn kết của đoàn viên thanh niên nơi biên ải xa xôi.
Kỳ tích ở Pêtapót ảnh 1

Đoàn viên thanh niên Huyện Đoàn Nam Giang băng rừng, lội suối vận chuyển vật liệu xây “Mái ấm biên cương”. Ảnh: Nguyễn Thành

Lên biên cương xây mái ấm

Pêtapót nổi tiếng Quảng Nam về sự cách trở, biệt lập mà mỗi lần nhắc đến cán bộ địa phương đều lắc đầu vì đường đi đầy khổ ải. Cách trung tâm xã Đắc Pring 18km, thế nhưng để vào được Pêtapót phải đi mất gần 5 giờ đồng hồ theo tuyến đường mòn độc đạo giữa rừng, băng qua nhiều dốc cao, suối sâu, nước chảy xiết. Hiểm nguy rình rập trên những cung đường.

Pêtapót có 9 hộ dân là người dân tộc Giẻ Triêng, với 37 nhân khẩu, đều thuộc diện hộ nghèo. Hộ gia đình anh Hồ Kring Gióng có hoàn cảnh đặc biệt, khi anh phải một mình nuôi con sau khi vợ bị nước lũ cuốn trôi. Biết hoàn cảnh, Huyện Đoàn Nam Giang quyết định xây dựng một Mái ấm biên cương dành tặng cha con anh Gióng để gia đình anh ổn định cuộc sống, vơi bớt khó khăn.

Tháng 6, trời Nam Giang nắng cháy da cũng là lúc tuổi trẻ huyện ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2022, với hành trình vào Pêtapót dựng Mái ấm biên cương đầy ý nghĩa. Hơn 100 đoàn viên thanh niên các xã đoàn, đơn vị của huyện cùng hành quân, vận chuyển vật liệu xây dựng vào Pêtapót để chuẩn bị dựng nhà.

Cụm dân cư Pêtapót nằm giáp ranh biên giới Việt – Lào, được chính quyền huyện Nam Giang phát hiện vào năm 1999 và từng được biết đến với tên gọi “làng không danh phận”, bởi cư dân của làng di cư từ Đắc Plô (huyện Đắc Glei, Kon Tum) qua và sống biệt lập giữa rừng.

Chị Kring Thị Mười, Phó bí thư Đoàn xã Đắc Pring kể lại hành trình 6 ngày 5 đêm anh chị em băng rừng, vượt suối để vận chuyển gần 7.000 viên gạch, 2 tấn xi măng, 40 tấn tôn, 1 tấn thép… vào Pêtapót để xây dựng mái ấm ý nghĩa.

“Đường đi trơn trượt, có những đoạn suối sâu, anh em phải kề vai khiêng xe, chia nhau gùi, gánh vật liệu băng qua dòng nước xiết. Hay những con dốc cao, mọi người phải còng lưng, thở bằng miệng mới vác hàng, đẩy xe qua được. Nhiều anh em té ngã, trầy xước chân tay nhưng không ai bỏ cuộc. Băng bó xong lại tiếp tục gánh, vác, lên đường”, chị Mười kể.

Như những chú kiến chăm chỉ, tha lâu cũng đầy tổ, cuối cùng công đoạn khó khăn nhất cũng đã hoàn thành. Những viên gạch, những thanh thép, bao xi măng cuối cùng vào đến Pêtapót trong niềm vui của dân làng và anh em tình nguyện. Nhọc nhằn gian khổ nhưng với quyết tâm, đồng lòng của anh em tất cả đã tạo nên kỳ tích, kỷ lục ở Pêtapót.

Kỳ tích ở Pêtapót ảnh 2
Đường vào Pêtapót. Ảnh: Nguyễn Thành

Ấm tình tuổi trẻ

Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện Đoàn Nam Giang người trực tiếp tham gia và chỉ huy các đợt tình nguyện vào Pêtapót. Dáng người cao to, vạm vỡ, Bí thư Huyện Đoàn cùng anh em băng rừng, lội suối không biết mỏi. Anh bảo: “Ở miền núi nên tất cả anh em đều quen với đường rừng rồi. Mỗi đợt tình nguyện, anh em thêm thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn, thiệt thòi của bà con, dân làng nơi biên cương Tổ quốc. Đó là động lực để mọi người cùng quyết tâm, đoàn kết để hoàn thành đến cùng công trình ý nghĩa ở Pêtapót”.

Vận chuyển vật liệu vào Pêtapót thử thách gian khó nhất hoàn thành, anh em đoàn viên thanh niên lại chia nhau hành quân vào Pêtapót để làm mặt bằng, đào móng, xây nhà, lợp tôn.

Chị Phạm Thị Thanh, Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam đánh giá cao tuổi trẻ Nam Giang đã có cách chọn việc, cách làm mới, sáng tạo và rất phù hợp với thanh niên miền núi. Ý nghĩa của công trình càng được nâng cao khi được triển khai trước thềm Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII nhiệm kỳ 2022-2027.

Hiên Cuôn, Bí thư chi đoàn thôn 49, xã Đắc Pring là người nhiệt tình tham gia tất cả các đợt tình nguyện ở Pêtapót. Tham gia vận chuyển vật liệu, vào đào, đổ móng xong, Cuôn lại xung phong tiếp tục làm thợ xây góp công hoàn thiện mái ấm nghĩa tình. Những ngày làm thợ xây, Cuôn và anh em dựng bạt che mưa, rồi phơi nắng để xây nhà. Cả nhóm gùi lương thực vào để tự nấu nướng trong những ngày ở lại Pêtapót. Dân làng cảm mến, hái rau rừng để anh em nấu canh, tặng những khúc mía ngọt để anh em giải khát trong ngày hè nóng bức.

“Vất vả nhưng chỉ cần quyết tâm, đoàn kết thì mọi khó khăn sẽ vượt qua. Đây sẽ là kỷ niệm khó quên trong ký ức tuổi trẻ của tất cả anh em”, Cuôn cười nói.

Ròng rã từ tháng 6 đến tháng 9, với 6 đợt tình nguyện, căn nhà kiên cố cuối cùng đã hoàn thành. Buổi lễ khánh thành và bàn giao được tổ chức trong niềm vui, hân hoan của tất cả anh em và dân làng. Căn nhà trở thành dấu mốc cho hành trình đổi thay Pêtapót giữa đại ngàn.

Bà Y Kiêng, Trưởng cụm dân cư Pêtapót vui mừng bắt tay cảm ơn các bạn trẻ đã không quản khó khăn, gian khổ để xây nên một mái ấm đặc biệt cho dân làng. “Bà con biết ơn lắm. Pêtapót nay có nhiều người trẻ bước ra ngoài, con chữ cũng đã đến với con trẻ. Pêtapót đổi thay một phần có sự đóng góp của các bạn trẻ”, bà Kiêng nói.

Vào căn nhà mới, khang trang đầy đủ, anh Gióng xúc động, cầm tay từng người cảm ơn rối rít, khiến ai cũng bùi ngùi.

“Xa xôi cách trở, có nằm mơ cha con cũng không nghĩ tới có một ngày được ở trong căn nhà kiên cố, đẹp đẽ thế này. Nhìn cảnh anh em đầm đìa mồ hôi, bê bết bùn lầy, có cả máu chảy để đưa được gạch, xi măng vào tận đây, tôi càng thêm biết ơn. Ân tình này hai cha con mãi khắc ghi”, anh Gióng xúc động.

MỚI - NÓNG