Ký ức một kỳ Đại hội

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trước mặt là Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Và vẫn roi rói một thời Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV. Vậy mà đã 42 năm.

Vào tiểu ban đời sống

…Quãng giữa tháng 9 năm 1980 chúng tôi được triệu tập.

Ký ức một kỳ Đại hội ảnh 1

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Vũ Mão trong buổi Lễ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đón nhận Huân Chương Hồ Chí Minh

Thành phần toàn những cán bộ có kinh nghiệm công tác Đoàn, trẻ khỏe ở các Ban T.Ư Đoàn được bổ sung vào các Tiểu ban phục vụ cho Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ IV.

Kinh nghiệm thì không phải phần mình vì khi ấy tôi về báo Tiền Phong mới hơn 3 năm. Chắc trẻ khỏe nên được gọi về Tiểu ban Đời sống.

Giờ cũng chả nhớ những việc cụ thể. Nhưng hình như tiểu ban có trách nhiệm phụ giúp với bộ phận hậu cần của Đại hội (ĐH) lo ăn uống cho các đại biểu (ĐB) dự ĐH giữa thời buổi bao cấp đời sống khó khăn.

Ký ức một kỳ Đại hội ảnh 2

Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo tại Festival LaHabana 1978

Tôi được bám theo cái xe con cà tàng về nông trường Đông Triều đi liên hệ nguồn thịt lợn. Lái xe có cái tên dễ nhớ mà cũng mau quên. Ư. Anh Ư. Gập ghềnh lắc lư nửa ngày mới về được nông trường, còn nhớ anh Ư lẩm bẩm thì trên cứ công văn về thẳng nông trường là xong tội vạ gì mà bắt Tiểu ban phải đi liên hệ.

Cũng có lý! Nhưng chắc tránh đỡ phải mang tiếng nên Tiểu ban đành gắng chút vậy? Cũng may là thời khó ấy, lãnh đạo nông trường đã có sáng kiến dành ra khoản lợn nuôi ngoài kế hoạch để chi dùng cho đối ngoại. Nhưng hơn chục con lợn cỡ 50 cân của Đông Triều thì thấm tháp gì? Chắc xe lão Ư lại phải guồng thêm các nông trường khác?

Xa thì Đông Triều, gần thì nông trường Tam Thiên Mẫu cách Gia Lâm không xa. Nhưng Tam Thiên Mẫu không đủ lượng thực phẩm.

Mấy hôm sau xe anh Ư lại gập ghềnh tiếp. Lần này đi rõ xa. Nông trường Mộc Châu để liên hệ nguồn thịt bò. Ba ngày ròng rã mà việc chưa thành, tôi không nhớ lý do gì. Có lẽ phải lên lần nữa?

Ký ức một kỳ Đại hội ảnh 3

Đoàn Chủ tịch Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ IV tháng 11-1980

Xe anh Ư về đến Trụ sở 60 Bà Triệu thì đã đêm. Cổng đóng. Phải đi kêu thường trực. Một chiếc xe Volga đen bóng xịch đằng sau. Thì ra xe anh Côn, lái cho Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo. Thủ trưởng của chúng tôi tướng Đặng Quốc Bảo quen thuộc oai phong trong bộ quân phục mùa hè lanh lẹ bước xuống. Chắc ông nhận ra tôi vì có mấy lần được bám theo Bí thư thứ nhất đi Bắc Thái và Quảng Ninh. Ông hỏi tôi đi đâu về?

Thì cứ tình thực trình bày.

Dạ thưa anh, em đi mua bò về ạ.

- Mua bò?

Trong đêm mồn một chất giọng như ngạc nhiên của ông.

Sau khi tôi trình bày qua quýt nhiệm vụ chức năng của Tiểu ban đời sống, ông chả nói thêm gì.

Còn nhớ khoảng hai hôm sau, tôi có quyết định phân việc mới. Về Tiểu ban Báo chí phục vụ Đại hội. Chắc ông phụ trách Tiểu ban đời sống nhẹ người vì nửa tháng nay nặng cả mình vì Tiểu ban tự dưng phải gánh thêm cái tay phóng viên trẻ măng ngu ngơ chẳng tháo vát gì cái việc này cả!

Chuyện một thành viên Tiểu ban

Tiểu ban Báo chí đặt dưới sự chỉ đạo quản lý trực tiếp của Ban tuyên giáo T.Ư Đoàn. Trên là Ban Bí thư, đứng đầu là Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo.

Tiểu ban Báo chí bổ sung thêm ông bạn Trương Tư, phóng viên báo Tiền Phong. Trương Tư sử dụng được tiếng Anh, Pháp.

Trương Tư hiền lành ít nói, dáng tất tả. Vợ Trương Tư khi ấy mới sinh con trai đầu. Ông bố trẻ ấy nhiều phen khiến tôi phát hoảng. Là việc đang bấn đang vào trớn tự dưng lão biến đi đâu mất tiêu vài ngày. Khi ấy làm chi có điện thoại di động. Máy bàn cũng không có nữa là. Mà Trương Tư đang cầm tập tài liệu phát cho phóng viên nước ngoài.

Số là thế này, theo gợi ý của thủ trưởng Đặng Quốc Bảo, để trợ giúp và tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí nước ngoài tuyên truyền cho Đại hội, trước mắt là các PV thường trú tại Hà Nội tìm hiểu tiếp cận với thực trạng cũng như chất lượng phong phú của các ĐB dự, nhất là chúng ta vừa kết thúc cuộc chiến tranh vệ quốc chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Thứ nữa đang phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc… Tiểu ban báo chí chúng tôi qua các địa phương và nhiều nguồn phải lọc, phải tìm những tấm gương điển hình, những ĐB dự ĐH. Tiếp cận họ, phỏng vấn họ. Nếu chưa có được bản báo cáo thành tích thì phải có dạng tài liệu gần như lý lịch trích ngang. Rồi làm việc với Ban Tuyên huấn T.Ư để biên tập, chỉnh sửa. Phần việc cuối là Ban quốc tế T.Ư Đoàn dịch những tài liệu ấy ra. Tiểu ban báo chí phải nắm đầu mối là Tùy viên báo chí các Sứ quán. Rồi còn phải song song làm việc ấy với các Tổng Biên tập báo trong nước vv…

Ký ức một kỳ Đại hội ảnh 4

Nguyên Bí thư Đặng Quốc Bảo với tác giả

Vậy nên tôi hoảng khi Trương Tư biến mất!

Trung tâm tìm kiếm vẫn là khu tập thể mạn Cầu Giấy nơi gia đình Trương Tư tá túc. Nhưng khu ấy, không có nhà nào biết vợ con Trương Tư đi đâu?

Guồng xe khắp Hà Nội những mối quen với Trương Tư cũng biệt vô âm tín! Mãi sau mới có người hé cho cái tin Trương Tư về Hải Phòng cùng vợ và đứa con đỏ hỏn.

Bây giờ ngồi gõ những dòng này, thấp thoáng cái dáng lòng khòng tất tả của Trương Tư như mỏng như lép thêm trong cái áo Gorơbatco thùng thình màu nõn chuối. Cặp kính cận dày cộp buông hờ và cặp mắt lúc nào cũng ngơ ngác.

Một Trương Tư thạo việc nhoay nhoáy biên dịch lâu lâu mới phải sờ đến tự điển. Và anh con trai đỏ hỏn thuở ấy nay đã quá tứ tuần.

Cả nhà Trương Tư định cư ở nước ngoài đã lâu lắm chưa có dịp về Việt Nam.

Thư ký Tổng Bí thư - Một bất ngờ

Trở lại những bấn búi ở Tiểu ban Báo chí ngày ấy.

Có một việc trọng là bữa ấy tôi được theo người của Ban Tuyên huấn T.Ư Đoàn và người của Tiểu ban Báo chí sang làm việc với bộ phận giúp việc của đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Tôi lờ mờ biết đó là kênh quan trọng để Tổng Bí thư có thêm thông tin về hoạt động của Đoàn thanh niên.

Nhưng tôi cũng nghe được rằng, sắp tới trong bài phát biểu chính thức tại ĐH, đồng chí Tổng Bí thư cũng cần tham khảo nhiều ý kiến?

Cuốn sổ biên việc đã vàng ố, cũ mèm mà tôi còn giữ được. Ở một trang, tôi ghi lại ý kiến trọng tâm công tác của Đoàn Thanh niên trong thời kỳ mới mà đồng chí trong tổ thư ký trực tiếp truyền đạt lại ý kiến của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Xin biên ra đây nguyên văn.

“Nâng cao giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, quyết tâm rèn luyện trở thành con người mới làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện.

- Đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích” thành cao trào thi đua hành động cách mạng của tuổi trẻ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

- Xây dựng Đoàn vững mạnh và nhanh chóng tổ chức, đoàn kết tập hợp thế hệ trẻ thành lực lượng làm chủ tập thể”.

Một ngạc nhiên của buổi làm việc hôm ấy. Bởi người trực tiếp truyền đạt lại ý kiến đó ngồi trước mặt tôi là ông Đống Ngạc!

Ông Đống Ngạc, thư ký kiêm Bí thư lâu năm nhất của Tổng Bí thư Lê Duẩn một thời.

Ông là nhân vật từng gắn bó với công tác Đoàn từ hồi trẻ. Từng là Chánh Văn phòng T.Ư Đoàn, rồi Thường vụ T.Ư Đoàn. Mãi năm 1962 ông mới từ T.Ư Đoàn được rút lên làm việc trong Tổ thư ký của Tổng Bí thư Lê Duẩn.

Nhưng thời điểm ấy tôi không dám tò mò gì thêm. Mặc dù buổi làm việc diễn ra khá dài nhưng tôi không dám hé thêm điều gì khác!

Mãi sau này, khi ông Đống Ngạc sau 25 năm làm thư ký cho Tổng Bí thư Lê Duẩn và đã rời cương vị công tác sau cùng là Phó giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật thì tôi mới có dịp hầu chuyện con người huyền thoại có khuôn mặt khắc khổ nhưng nhiều nét phúc hậu này.

May mắn, hân hạnh. Tất nhiên! Nhưng cả là một sự khổ ải khi được hầu chuyện ông. Bởi con người ấy khiêm tốn vô cùng. Nói như nhà thơ Việt Phương, người có 53 năm là thư ký cho cụ Phạm Văn Đồng đã trả lời băn khoăn của người con trai Đống Ngạc rằng, không thể tìm thấy một tấm ảnh nào bố mình đứng bên cạnh Tổng Bí thư Lê Duẩn cả.

“Đó là tính cách của một con người "không lộ liễu phô phang", "Khiêm tốn, nhún nhường, thậm chí nhiều khi nép mình lại, dành vị trí nổi bật cho người khác, chứ không giành giật vị trí ấy".

Chuyện nhân sự

Mải mốt việc ở Tiểu ban báo chí nhưng tại Trung tâm ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ IV ở Hội trường Ba Đình thi thoảng vẫn ngó sang các Tiểu ban bên cạnh.

Chiều ấy thấy phòng bên một Tiểu ban khác bỗng có sự náo nhiệt. Mà người đang trực tiếp phát biểu là Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo.

Nhưng sao âm lượng giọng nói hơi căng?

Sau hỏi lại thì ra Tiểu ban ấy đã sáng tác ra một bộ phận có tên gọi là “Không khí”!

Không khí? Tại sao không? Là một nhóm có trách nhiệm làm không khí Hội trường trong thời gian diễn ra ĐH vui vẻ khí thế! ĐH của tuổi trẻ cơ mà?

Họ muốn chính Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo nghe họ trực tiếp trình bày!

Bí thư nghe xong thuyết trình lẫn những ví dụ minh họa này khác của bộ phận không khí ấy đã bác thẳng thừng cùng phê phán ý tưởng quái gở ấy!

Cái thời ấu trĩ ấy, ngay tại cơ quan T.Ư Đoàn, tôi cũng loáng thoáng nghe lẫn được chứng kiến những phản ứng khi nhẹ nhàng khi quyết liệt của vị Bí thư thứ nhất với thói hình thức giả dối. Với ông mọi thứ phải là chuyên nghiệp. Phải tập để chuyên nghiệp. Ông nhắc nhở vậy.

Những ánh mắt tò mò thi thoảng lại hướng về phía phòng của Tiểu ban nhân sự, tổ chức.

Bí thư thứ nhất Đặng Quốc Bảo thường xuyên lui tới.

Ở đó đương có những quyết định quan trọng. Tất nhiên.

Tôi bỗng nhớ lại buổi chiều một ngày cuối tháng 2/1980.

…Lộ trình chuyến công tác đi Móng Cái của Bí thứ thứ nhất Đặng Quốc Bảo trên đường về dừng lại ở huyện Tiên Yên.

Đã quen với những cởi mở nhiều khi đến bất ngờ trong tính cách tướng Đặng Quốc Bảo, với chức phận của phóng viên tháp tùng vì đã mấy lần đi công tác với ông, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên khi ông cho 2 phóng viên là anh Bùi Đức Huyên (Buổi phát thanh thanh niên của Đài TNVN) và tôi được dự buổi làm việc từ đầu đến cuối của tướng Bảo với BCH Huyện ủy Tiên Yên.

Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, người tầm thước, nước da sáng mau mắn linh lợi tầm ngoài bốn mươi. Có thể là bầu không khí thân mật do tướng Bảo tạo ra, hoặc do tính cách, tác phong của người cầm chịch một huyện nên hiệu quả buổi làm việc khá mỹ mãn. Có cảm giác ông Bí thư ít khi dùng những khái niệm và luôn có những dẫn chứng cụ thể sinh động thiết thực sự trao đổi đỡ khô cứng nặng nề. Có lúc ông còn thuận miệng dẫn ra vài câu văn vần về thực trạng này khác khiến phòng họp dậy nên tiếng cười vui.

Tôi hỏi nhỏ anh Chánh văn phòng Huyện ủy được biết thêm, Bí thư cũng mới về Tiên Yên gần năm nay. Nắm tình hình khá vững và sâu sát. Bí thư trước đó là Trưởng ty Thủy lợi Quảng Ninh theo chủ trương của trên tăng cường bổ sung cán bộ cho miền Đông vùng xa. Cái đập nước Yên Lập mà các anh từ Hà Nội xuống qua huyện Đông Triều một chút là công trình ông ấy thiết kế đấy!

Trên đường về, tướng Đặng Quốc Bảo lại bất ngờ với câu hỏi đánh độp hướng về phía hai phóng viên tháp tùng.

Này, các cậu, đồng chí Bí thư huyện ủy vừa nãy có xứng đáng là thủ lĩnh của Đoàn ta không?

Ngạc nhiên chẳng rõ thủ trưởng mình nói thật hay đùa? Việc nhân sự đâu có buột ra dễ dàng như thế? Với lại chúng tôi biết gì mà nhận xét cái việc tày cỡ… triều đình!

Lại nữa, không rõ tướng Bảo quen biết cái ông Bí thư ấy lâu chưa mà trong câu chuyện thấy tướng Bảo dành cho nhiều thiện cảm.

Rồi sự kiện ấy cũng chìm lút đi, nhưng bỗng hiển hiện sinh sắc vào thời điểm kết thúc công tác chuẩn bị nhân sự cho Đoàn lần thứ Tư ấy. Chúng tôi ở Tiểu ban Báo chí nên loáng thoáng biết thông tin nhân sự mới của ban bí thư T.Ư Đoàn. Vâng, một trong những gương mặt nhân sự mới ấy là người gặp hồi đầu năm ở mặt trận Đông Bắc, đồng chí Vũ Mão, Bí thư huyện ủy Tiên Yên!

Từ tinh mơ ngày 20/11/1980, các bộ phận phục vụ ĐH đã có mặt ở Hội trường Ba Đình để soát xét lại tất tật những phần việc.

Tôi say sưa ngó không chán mắt đội hình của một thế hệ người Việt mới, khuôn mặt tươi trẻ, sắc phục tươm tất đang tề chỉnh trước thời khắc vào Lăng viếng Bác!

Họ, 623 đại biểu ấy đại diện cho 9 triệu đoàn viên thanh niên cả nước đang sôi nổi tham gia phong trào “Ba xung kích làm chủ tập thể” Họ tiêu biểu cho hàng triệu lượt đoàn viên thanh niên tham gia phong trào “Thanh niên xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Hàng chục vạn thanh niên gia nhập lực lượng vũ trang, góp phần tích cực bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Phong trào “Hành quân theo bước chân những người anh hùng” của 10 triệu thiếu nhi, nhi đồng.

Trên lễ đài, các vị lãnh đạo Đảng Nhà nước đều có mặt.

Chẳng cần có thêm bộ phận “ Không khí” nhưng do làm tốt tổ chức và sáng tạo nên không khí ĐH sôi nổi, tươi vui và thành công tốt đẹp.

Đại hội đã bầu BCH Trung ương Đoàn gồm 113 đồng chí. Đồng chí Đặng Quốc Bảo, Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn.

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ IV bầu ra Ban Bí thư T.Ư Đoàn gồm: Đặng Quốc Bảo, Vũ Mão, Hà Quang Dự, Nguyễn Tiên Phong, Nguyễn Thị Hằng, Lê Thanh Đạo, Phạm Công Khanh, Lê Quang Vịnh, Phan Văn Chương, Hồ Anh Dũng, Vũ Quốc Hùng, Trần Phương Thạc, Lương Công Đoan, Lưu Minh Trị, Phạm Chánh Trực, Phan Thế Hùng, Nguyễn Minh Triết, Huỳnh Đảm.

Nhiệm kỳ từ năm 1980 - 1987 ấy, kết quả của việc sáng suốt lựa chọn nhân sự trong Ban Bí thư T.Ư Đoàn, nhiều người đã trở thành yếu nhân trong bộ máy lãnh đạo quốc gia, của nhiều bộ ngành địa phương!

Tại Đại hội IV, ông Vũ Mão được đề cử vào Ban Bí thư T.Ư Đoàn phụ trách công tác tổ chức. Lại đồng thời là Bí thư Đảng ủy cơ quan T.Ư Đoàn.

(Đầu năm 1982, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, đồng chí Vũ Mão được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng và tháng 4 năm đó được Ban Bí thư T.Ư Đoàn bầu làm Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn thay tướng Đặng Quốc Bảo được cử giữ chức Trưởng Ban Khoa giáo T.Ư).

MỚI - NÓNG