Theo Cục Thú y, hiện cả nước có 307 ổ dịch tại 307 xã thuộc 108 huyện của 29 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày. Bệnh dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được kiểm soát; thời gian qua dịch bệnh chỉ xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vì không bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Hiện tại, cả nước có 96% số xã không có dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm điều kiện cho việc tổ chức tái đàn, tăng đàn lợn.
Theo Cục Chăn nuôi, sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi qua thời kỳ cao điểm, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều hội nghị phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học bền vững và tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và phát triển chăn nuôi an toàn sinh học.
Có nhiều mô hình chăn nuôi lợn tái đàn tăng đàn một cách hiệu quả với việc tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, trong đó điển hình là các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm được cho là giải pháp của chăn nuôi nông hộ.
Thực tế, giữa tháng 9/2020, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Tập đoàn Quế Lâm phối hợp tổ chức hội thảo khoa học công nghệ chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và an toàn sinh học.
Sau khi tổng kết đánh giá các mô hình và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, có thể một đề án khoa học về chăn nuôi trong giai đoạn 2021-2025 sẽ sớm ra đời mà ở đó giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân.
Khoảng 10 năm trước, trong bối cảnh chăn nuôi an toàn sinh học vẫn còn là khái niệm xa lạ, ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm và các nhà khoa học của Tập đoàn Quế Lâm đã theo đuổi nghiên cứu giải pháp chăn nuôi lợn 5 không: Không sử dụng chất tạo nạc, không sử dụng kích thích tăng trưởng, không sử dụng chất kháng sinh, không sử dụng chất tạo màu và bảo quản, không có kim loại nặng...
Thực tiễn đã chứng minh, các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm thành công là nhờ sử dụng men vi sinh theo công nghệ chuyển giao từ Nhật Bản do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất.
Việc đưa các chủng men vi sinh vào thức ăn chăn nuôi, nước uống và sử dụng men vi sinh làm đệm lót sinh học đã tạo ra các vi sinh vật trong thức ăn làm tăng sức đề kháng cho lợn. Đệm lót sinh học giải quyết bài toán môi trường khi không sử dụng nguồn nước đồng thời tạo ra nguồn phân bón hữu cơ rất lớn cho nông hộ và gia trại.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi thì đó là những mô hình chăn nuôi “nhất cử tam tiện”. Thứ nhất, việc sử dụng vi sinh trong ủ thức ăn chăn nuôi đã có tác dụng tích cực làm tăng sức đề kháng cho lợn, miễn dịch với nhiều loại bệnh khác mà không cần dùng kháng sinh.
Thứ hai, chăn nuôi hữu cơ tận dụng được các nguồn phụ phẩm trong nông hộ như thóc, cám, ngô, sắn... Người chăn nuôi chỉ cần đưa men vào ủ có thể trở thành thức ăn hỗn hợp, vừa đảm bảo dinh dưỡng cho vật nuôi vừa đảm bảo vấn đề nâng cao sức đề kháng.
Thứ ba là vấn đề môi trường. Chăn nuôi hữu cơ sử dụng đệm lót sinh học. Vừa không phải tắm cho lợn, nước tiểu của lợn, phân của lợn thấm vào đệm lót sinh học đảm bảo môi trường không mùi, không ô nhiễm, sau mỗi chu kỳ nuôi lại tận dụng phân hữu cơ này trở thành phân vi sinh bón cho cây trồng.
Hơn ai hết, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến là những minh chứng cụ thể về việc đặt niềm tin vào giải pháp an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm.
Kể từ thời điểm lần đầu kiểm tra mô hình của Quế Lâm vào tháng 7/2019 đến lúc trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường quyết định đưa mô hình của Quế Lâm lan tỏa đến các địa phương, đích thân Thứ trưởng phụ trách mảng chăn nuôi của Bộ NN&PTNT đã ít nhất 3 lần cùng các đoàn công tác của Bộ NN&PTNT kiểm tra trực tiếp quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại các hộ chăn nuôi.
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao mô hình chăn nuôi an toàn sinh học theo chuỗi của Tập đoàn Quế Lâm
Sau những chuyến thẩm tra của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đã vào Thừa Thiên Huế để cùng với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh này trực tiếp xác nhận ngay tại những mô hình chăn nuôi vẫn đang phát triển rất an toàn ngay giữa tâm dịch tả lợn Châu Phi.
Khi đã có đủ cơ sở khoa học, thực tiễn để khẳng định, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo, khẩn trương nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ an toàn sinh học “bởi thực tế đang rất cần”.
Từ 15 mô hình ban đầu ở Thừa Thiên-Huế, chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm đã lan tỏa hết sức mãnh liệt. Đến nay đã có hàng nghìn mô hình liên kết, hàng vạn con lợn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học khắp từ Bắc chí Nam.
Trên cơ sở các mô hình chăn nuôi liên kết đã thành công, Tập đoàn Quế Lâm mong muốn phát triển các làng xã kiểu mẫu chăn nuôi hữu cơ an toàn tại các địa phương với phương thức chúng tôi đầu tư đầu vào và thu mua đầu ra. Có như vậy người chăn nuôi mới phát triển và việc nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với người nông dân mới khả thi.
Dự kiến trong năm 2020, Tập đoàn Quế Lâm sẽ phát triển lên 50.000 con lợn nuôi theo hướng hữu cơ đồng thời mở rộng các mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi, chuyển giao quy trình chăn nuôi đến người nông dân nhằm mục đích tạo ra một môi trường chăn nuôi an toàn, bền vững theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.