Ký sự Trường Sa: Chất chiến sỹ trẻ

0:00 / 0:00
0:00
Hai chiến sỹ Phan Văn Thành, Nguyễn Thành Tâm cùng đọc bức thư của đồng đội ở đảo Sinh Tồn gửi sang
Hai chiến sỹ Phan Văn Thành, Nguyễn Thành Tâm cùng đọc bức thư của đồng đội ở đảo Sinh Tồn gửi sang
TP - Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Giữa muôn trùng sóng gió, dù khó khăn, gian khổ nhưng các chiến sỹ vẫn luôn vững vàng tay súng, viết tiếp những trang sử hào hùng về Trường Sa.

Bản lĩnh

Đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi gặp binh nhất Trần Văn Thủy (quê ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Thủy cho biết, anh sinh và lớn lên ở vùng bãi ngang xứ Nghệ nên từ nhỏ đã quen với sóng gió. Lên đường nhập ngũ, Thủy chọn con đường trở thành lính hải quân. “Bố em là ngư dân, mẹ làm nghề vá lưới, em thuận lợi hơn so với các đồng đội khác là em sinh ra từ biển và từ nhỏ đã gắn bó với biển. Em chưa từng đi đâu xa nên khi nhập ngũ thấy nhớ quê, nhớ nhà da diết. Nhưng sau một thời gian có mặt ở đảo tiền tiêu, em hiểu rằng mình phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thì bố mẹ, người thân mới an tâm bám biển. Rồi những đứa trẻ miền biển khi lớn lên cũng sẽ như em, quyết tâm canh giữ biển đảo do tổ tiên để lại”.

Cùng ra đảo làm nhiệm vụ với Thủy, chiến sỹ Dương Đức Hoàng Trí (quê ở quận 4, TPHCM) chia sẻ: “Được khoác lên mình bộ quân phục hải quân là điều em tự hào nhất. Còn người, còn đảo, chúng em nguyện luôn chắc tay súng canh giữ nơi “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc”. Lời nói đầy khí phách của chàng trai 22 tuổi khiến mọi người cảm kích, xúc động, cảm phục. “Em sinh ra giữa thành phố náo nhiệt, chưa từng chịu vất vả mưu sinh, nhưng con đường em chọn làm lính hải quân được gia đình, bạn bè nhiệt liệt ủng hộ. Dù biết trước sẽ có nhiều gian khổ, nhưng bọn em không nhụt chí. Trên đảo, được sự giúp đỡ của thủ trưởng và đồng đội nên em vững tin lắm”, Trí nói.

Ký sự Trường Sa: Chất chiến sỹ trẻ ảnh 1

Hai chiến sỹ thực hiện nghi thức trao súng thay phiên canh giữ tại cột mốc chủ quyền

Làm nhiệm vụ ở đảo Cô Lin, trung sỹ Trần Công Phú (quê ở thành phố Phan Rang, Ninh Thuận) cho hay: “Canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ là niềm tự hào mà còn là môi trường tôi luyện cho chiến sỹ trẻ. Tinh thần thép Trường Sa, không những để đối chọi với bão tố, phong ba, còn luôn sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Xung quanh, mỗi viên đá, mỗi rặng san hô cũng là hình hài máu thịt của đất nước mình”. Bồng súng canh giữ trên nóc nhà của đảo Đá Tây, bóng dáng của trung sỹ Nguyễn Xuân Quý (quê ở Diễn Châu, Nghệ An) hiên ngang, sừng sững bên cạnh cột cờ. Nắng hắt xuống chói chang, hơi nóng tỏa ra từ nền bê tông bỏng rát, bức bối nhưng ánh mắt Quý vẫn luôn chăm chú hướng ra phía sóng biển. “Em cần phải tập trung vào nhiệm vụ, giờ phút nào cũng không được chủ quan, lơ là”, Quý bảo.

Đảo là nhà, biển là quê hương

Xế chiều cuối tháng 4 nắng chói chang, tàu chúng tôi tới đảo Nam Yết. Trùng dương mênh mông, lớp lớp sóng vỗ bờ càng tôn thêm vẻ đẹp hiên ngang của hòn đảo. Dạo một vòng, tôi vô tình bắt gặp hai chiến sỹ Phan Văn Thành, Nguyễn Thành Tâm đang cùng đọc một lá thư. Hai anh cho biết, đây là lá thư của một chiến sỹ ở đảo Sinh Tồn gửi sang. Thành 22 tuổi, quê ở Ninh Bình còn Tâm 24 tuổi, quê ở Khánh Hòa. “Chúng em ở mọi miền quê khác nhau nhưng khi khoác lên mình màu áo lính hải quân là thành người thân, đảo là ngôi nhà chung, biển cả là quê hương lớn. Cùng chung nhiệm vụ, cùng một lần lên tàu nên bọn em nhanh chóng làm quen, sớm thân thiết với nhau. Ra đảo, mỗi người ở một nơi, những trang thư trở thành cầu nối thông tin cho chúng em biết về cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của nhau. Trong thư, bạn ấy khoe người yêu gửi quà nhưng quà gì thì không chịu nói, thế mới làm chúng em hiếu kỳ, tò mò. Lát nữa viết thư gửi lại các bạn bên đó hỏi cho ra”, Tâm cười tinh nghịch.

Nghe chiến sỹ trẻ bộc bạch, một đồng nghiệp của tôi đùa: “Thế hai em đã có người yêu chưa, anh giới thiệu em gái cho?”. Câu hỏi này làm hai chàng trai đỏ mặt. Chiến sỹ Thành ngượng ngùng: “Em có bạn gái rồi, bọn em yêu nhau 5 năm và cũng là tình đầu của em. Thỉnh thoảng, bạn gái gửi quà từ đất liền ra. Nếu quà là các món đặc sản ở quê thì em chia đều cho mọi người, tất cả cùng nhau thưởng thức”.

Khi đoàn công tác chuẩn bị rời đảo Nam Yết, một người lính tên Luận (quê ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) vội vã chạy theo cán bộ trên tàu 571. “Anh ơi, anh cho em gửi món quà này sang đảo Thuyền Chài C với. Đây là món quà anh Trung gửi, anh ấy đang làm nhiệm vụ không ra được ạ”. Chàng lính trẻ cho hay, anh nhập ngũ vào tháng 2/2020 và ra đảo làm nhiệm vụ vào tháng 1/2021. “Thời điểm mới xa nhà rất nhiều bỡ ngỡ, nhưng em được đồng đội và các anh trên đảo động viên nhiều lắm. Những lúc ốm đau, anh Trung luôn dành thời gian chăm sóc em, giặt đồ anh ấy cũng làm thay em. Các anh còn hướng dẫn, chỉ cho em nhiều việc khác”, Luận tâm sự.

Thượng úy Lê Duy Hồng cho biết: “Có những người ở đảo đã lâu và gần xuất ngũ nhưng cũng có những chiến sỹ tân binh ra vài tháng. Chung một mái nhà, cùng một đơn vị tất cả là anh em. Người trước bảo ban, giúp đỡ người sau. Nếu có cơ hội, mời các anh ghé Trường Sa những ngày áp Tết, nhìn quân và dân trên đảo quây quần gói bánh chưng, không khí ấm cúng chẳng kém gì trong đất liền. Sóng có dữ dội, gió có rít gào thì mọi cán bộ, chiến sỹ trên đảo cũng quây quần, đoàn kết để vượt qua mọi khó khăn, thách thức”.

Rời Nam Yết, nhìn lá thư được gói cẩn thận mà hai chiến sỹ Thành, Tâm hồi âm đến đảo Sinh Tồn, chúng tôi càng thấm hiểu hơn về tình đồng đội, tình anh em của những người lính nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc…

Theo (Còn nữa)
MỚI - NÓNG