Ông Nguyễn Hữu Chấp, khẩu đội trưởng cối 82, Sư đoàn 312 - đơn vị được giao mở màn chiến dịch giai đoạn 1 với hai trận đánh đồi Him Lam và đồi Độc Lập vào các ngày 13/3 và 15/3/1954. Đây là 2 trận đánh với mệnh lệnh “phải thắng, không được phép thua”, bởi nó quyết định khí thế quân ta, đồng thời đập tan việc Pháp sẽ mượn cớ đó để huênh hoang về sức mạnh hỏa lực địch.
Người lính già Điện Biên năm nay bước vào tuổi 90. Chiến dịch kết thúc, ông ở lại Tây Bắc, trở thành cư dân vùng lòng chảo. Và, chẳng biết tình cờ hay hữu ý, ngôi nhà ông ở nằm dưới chân đồi Him Lam, gần chiến trường xưa như một bàn tay với.
Ngồi từ nhà ông nhìn lên thấy đỉnh đồi, nơi ông cùng đồng đội đổ máu để giành cứ điểm. Trong hồi ức của người cựu chiến binh, thời hoa lửa vẫn còn nguyên vẹn.
“Giai đoạn 2, đơn vị chúng tôi được giao nhiệm vụ chủ công đánh D1 - vị trí tượng đài Chiến thắng bây giờ. D1 là điểm cao nhất, được địch bố phòng kiên cố nhất có cả súng phun lửa.
Phía Đông đồi D1 dựng đứng nên rất khó lên, chỉ có một hướng lên duy nhất, anh em hy sinh nhiều nhưng cuối cùng mình vẫn nhổ được. Sau D1, chúng tôi đánh căn cứ 210, xong đến 505, 506, 507, 509 tức là cầu A và chợ Trung tâm bây giờ", ông kể.
Trong chiến dịch này ông Chấp tham gia từ đầu đến cuối, hơn một tháng ròng rã nằm ở công sự trên đồi E, từ đêm 3/4 cho đến ngày 7/5.
Trên trận địa, ta bố phòng phía trước là pháo 75 và pháo ĐKS của ông Phùng Văn Cầu, tiếp đến là chúng tôi cối 82; sau chúng tôi là cối 120. Đồi E hỏa lực cầu vồng mạnh nhất. Địch biết đồi E có trận địa pháo của ta ở đó nên chúng chống trả quyết liệt, 24/24 không lúc nào ngừng tiếng đạn pháo.
Lệnh trên chỉ đạo các đơn vị vác gỗ trong Tà Lèng ra làm hào công sự, anh nào không trực ban chiến đấu thì tập trung làm hầm trú ẩn. Ông Chấp là khẩu đội trưởng cối 82 ly, đại đội 290, tiểu đoàn 166, E209, F312.
Cả khẩu đội của ông viết tâm thư quyết tâm đánh trận đầu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến tận nơi động viên giao nhiệm vụ.
Nhằm tạo bất ngờ, đơn vị của ông được lệnh ngày đêm đào đường hầm ngầm dài 5km từ Tà Lèng vào đến gần đồi Him Lam. Ròng rã nửa tháng, ông cùng đồng đội vật lộn với bùn đất, nhích dần từng mét hào, ai cũng mong thật nhanh đến đích để nã đạn vào kẻ thù.
Sáng 13/3/1954, đường hào đã hoàn thành, khẩu đội cối 82 ly của ông nhận được mệnh lệnh đợi đến chiều sẽ khai hỏa. Đúng 17h10, những loạt đại bác đồng loạt nã vào lô cốt, hầm.
Khẩu đội cối 82 ly có một đêm oanh liệt: nã thẳng đạn vào Sở chỉ huy cứ điểm Him Lam đến mức đỏ nòng. Trong lúc thế trận ác liệt, đơn vị ông trúng đạn pháo địch, khẩu cối 82 ly bị mẻ nòng; 2 chiến sỹ hy sinh, 5 người bị thương…
Ông Chấp rưng rưng nhớ lại: “Đêm đó, khẩu súng cối 82 của chúng tôi bị viên đạn cối 120 bắn trước mặt khoảng 5m, đẩy ngã anh em xuống giao thông hào. Tai tôi ù điếc đặc, anh em hỏi mình không sao nghe được tiếng gì.
Một lúc sau khỏi điếc, anh pháo thủ số 1 báo cáo “súng mẻ rồi” do một mảnh đạn cối 120 văng sợt vào bên ngoài, nòng pháo bị ngắn lại. Rất may không phải mẻ bên trong, nếu không sẽ làm lạc đường đi của đạn.
Tôi quyết định chỉnh lại máy ngắm, thay đổi độ bắn cho phù hợp với độ ngắn của nòng súng, cối 82 ly lại tiếp tục nhả đạn cho đến khi chiến đấu xong Him Lam".
Kỷ niệm Đại tướng xuống giao thông hào xin thuốc lào
65 năm trôi qua, trong ký ức người cựu binh đánh đồi Him Lam vẫn vẹn nguyên niềm hào sảng. Trận thắng mở màn có ý nghĩa cổ vũ rất lớn tinh thần chiến đấu của bộ đội ta trong toàn chiến dịch.
Nhắc về người Tổng tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu binh Nguyễn Hữu Chấp xúc động: “Với những người chiến sỹ như chúng tôi, đó không chỉ là người Tổng tư lệnh, mà còn là người anh Cả ai cũng hết lòng kính yêu.
“Tôi nhớ một đêm trước khi chiến dịch bắt đầu, chúng tôi đang đào hào để chuẩn bị đánh đồi D1, Đại tướng đi kiểm tra ban đêm. Đại tướng nói giọng Quảng Bình. Tiểu đoàn của tôi, ông Thăng Bình tiểu đoàn trưởng cũng người Quảng Bình.
Cụ đến và hỏi: “Có cậu nào có thuốc lào cho tôi một điếu”. Tôi tưởng ông Thăng Bình hỏi nên trêu: “Ối trời, tiểu đoàn trưởng cũng nghiện thuốc lào à. Trước nay tôi có thấy anh hút thuốc lào bao giờ đâu”.
Lúc ấy, dưới hầm có một cậu mang thuốc theo. Khi đánh diêm mời ông một điếu, chúng tôi mới hay, đó là Đại tướng. Ông ra tận giao thông hào để kiểm tra, động viên chiến sỹ.
Tôi chạy đến xin lỗi, Đại tướng cười bảo: “Thôi, cứ tự nhiên không có vấn đề gì. Đêm tối chứ có phải ban ngày đâu mà trách các cậu”.
Vẫn mạch xúc động, cụ Chấp bảo: Nếu Đại tướng không thay đổi chiến thuật, chắc chắn sẽ không có một chiến dịch Điện Biên Phủ thành công trọn vẹn như ngày hôm nay.
“Trước khi đưa ra quyết định, Đại tướng có 1 đêm trắng. Đại tướng chỉ đạo, thay vì đánh nhanh thắng nhanh thì đánh chắc tiến chắc, đi đến đâu đào hào đến đấy, đào cho đến chân hàng rào dây thép gai của địch khiến chúng bất ngờ trở tay không kịp.
Nếu giữ cách đánh cũ, chắc không thể giải phóng Điện Biên, mà cũng không giữ được tính mạng của chiến sỹ” - ông Chấp khẳng định.