Kỳ lạ “Hỗ trợ người nghèo” kiểu đa cấp

Bà Ng. cho xem phần theo dõi “mã” người chơi trên trang hotronguoingheo.vn
Bà Ng. cho xem phần theo dõi “mã” người chơi trên trang hotronguoingheo.vn
TP - Dự buổi lễ tôn vinh đơn vị, cá nhân tiêu biểu tiêu thành phố Nha Trang, phóng viên phát hiện hoạt động kiếm lợi đa cấp trong chương trình hỗ trợ người nghèo.  

Buổi lễ kỳ lạ

Trung tuần tháng 10, một lễ tôn vinh các đơn vị, cá nhân tiêu biểu được tổ chức tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa. Nhiều băng-rôn, phướn lớn in tên các đơn vị hỗ trợ chương trình, nhưng không hề có tên đơn vị tổ chức. Không có báo cáo tổng kết việc phát động, tham gia và bình chọn các giải thưởng, chỉ có phần trao giải. 

Phần lớn cá nhân được trao giải “Tấm gương lao động xuất sắc” là người của các văn phòng đại diện chương trình “Trái tim Việt Nam” (TTVN), Trung tâm hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới (TTHTNN, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn Việt Nam) ở các tỉnh, thành phố phía Bắc. Theo thể lệ, các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký nhận giải thưởng sản phẩm, nhãn hiệu phải đăng quảng cáo trên Cẩm nang doanh nghiệp năm 2016, với số tiền quảng cáo là 22 triệu đồng.  

Cuối chương trình là phần góp tiền ủng hộ chương trình TTVN, có nhiều phụ nữ vừa được tôn vinh là “Tấm gương lao động xuất sắc” lên góp tiền. Tôi hỏi chuyện họ về chương trình TTVN, liền được mời tham gia. Một chị xưng tên là V.T.Y. ở tỉnh Hải Dương cho tôi số điện thoại chị gái của chị là V.T.Ng., đầu mối của chương trình TTVN ở Nha Trang. 

“Sân này nhanh có tiền hơn mấy sân kia”

Ngoài Bắc có cái chị Xuân, chỉ chơi từ tháng 4 mà trong tay đã có 500 thành viên. Chị ấy không phải đi đâu cả, mỗi ngày có cả chục người tới nhà xin chơi. Hôm nọ riêng tỉnh Hải Dương vào đây dự lễ tôn vinh một xe hơn năm chục người, toàn chị em nông dân mà sao họ chơi máu lửa thế.   

Bà Ng.

Sau khi hẹn qua điện thoại, tôi đến gặp bà Ng. ở quán cà phê M., đường Trần Nhật Duật, Nha Trang. Tại đây, bà Ng. và hai phụ nữ nữa thay nhau nói về chương trình TTVN. Theo họ, để làm thành viên chương trình TTVN, mà họ gọi thẳng ra là “người chơi”, phải đóng một “suất” là 1,2 triệu đồng, trong đó có 500 nghìn đồng “thối lại” người giới thiệu. Sau khoảng 20 tháng người chơi sẽ được nhận lại tổng cộng 5,7 triệu đồng, nhận theo nhiều kỳ với số tiền nhận lại tăng dần. “Mua nhiều suất một lần cũng chỉ phải đóng 500 nghìn đồng thối lại. Vậy nên đừng chơi một suất, chơi ít nhất 10 suất mới có lợi, bỏ 7 triệu rưỡi sau này nhận lại được 57 triệu đồng”, bà Ng. nói.

“Tôi mới tham gia từ tháng 6, nhận được trên 500 triệu đồng rồi, lại mua thêm suất, chơi nhiều hơn”, bà N.Th.Th.H. ở chung cư số 7 Nguyễn Thiện Thuật, Nha Trang khoe. Để chứng minh, bà Ng. mở ipad cho chúng tôi xem phần theo dõi “mã” trên trang hotronguoingheo.vn, cho biết bà H. chơi 2.000 suất, đóng hơn 1,4 tỷ đồng, cô N.H.Th. ở đường Trần Bình Trọng, Nha Trang chơi 100 suất… “Tôi cũng chơi ở mấy sân đa cấp nữa, mà mấy sân ấy lâu hoàn tiền, không có nhiều tiền. Sân chơi này nhanh có tiền, lợi nhiều mà chơi rất yên tâm vì có mấy ông to ủng hộ”, bà Ng. nói.

Kỳ lạ “Hỗ trợ người nghèo” kiểu đa cấp ảnh 1

Văn bản chính sách hỗ trợ thành viên chương trình TTVN có chữ ký của bà Lê Thị Hằng.

Tiền ở đâu để trả lại nhiều gấp bảy, tám lần số tiền mua suất? Trả lời câu hỏi này, bà Ng. nói có nguồn tiền lớn do bà Lê Thị Hằng, Tổng giám đốc TTHTNN đi xin tài trợ quốc tế và trong nước, cùng nguồn tiền do người chơi nộp vào. Bà giục tôi chơi sớm, sẽ có lợi hơn. “Người chơi càng đông, góp tiền càng nhiều thì tiền quay vòng nhanh, người chơi trước lấy tiền ra càng nhanh. Như cô Y. đấy, lấy ra nhiều hơn tiền gốc rồi, lại được trao giải tấm gương xuất sắc, nên vừa rồi cô ấy ủng hộ chương trình 50 triệu đồng”. 

Bà Ng. cho chúng tôi xem một quyển đơn tự nguyện tham gia chương trình TTVN in sẵn và một xấp văn bản, trong đó có thư của một số cơ quan, cá nhân kêu gọi ủng hộ chương trình TTVN. Xem quyển đơn, tôi thấy một dây người trước giới thiệu người sau: Chị Y. – bà Ng. – bà H. – ông D. ở phường Phương Sài, Nha Trang – cô Th. Theo “Chính sách hỗ trợ” cho thành viên chương trình TTVN do bà Lê Thị Hằng ký, thành viên hoạt động tích cực, liên tục 12 tháng được thưởng số tiền kếch xù: tháng đầu 1,5 triệu đồng, tháng thứ hai 4,5 triệu đồng, mức hưởng tháng sau gấp 3 lần tháng trước, tháng thứ 12 tới gần 266 tỷ đồng. 

Đa cấp mà không phải là đa cấp?

Trả lời qua điện thoại, bà Lê Thị Hằng nói rằng số tiền 1,2 triệu đồng là tiền thành viên tự nguyện ủng hộ chương trình TTVN. Chỉ góp 1,2 triệu đồng mà có thể nhận được đến 40 triệu đồng sau 4 tháng, hàng trăm tỷ đồng sau 12 tháng, có gì bất thường không? Khi bị hỏi gặng câu này, bà Hằng đề nghị phóng viên hỏi ông Trần Đức Trung, Chủ tịch Hội đồng thành viên chương trình TTVN.

Trái với bà Hằng, ông Trần Đức Trung nói 1,2 triệu đồng không phải là tiền ủng hộ người nghèo, mà là tiền phải đóng để được làm thành viên chương trình TTVN. Ông phủ nhận việc chi tiền lũy tiến tháng sau gấp ba lần tháng trước cho người giới thiệu thành viên mới, nhưng thừa nhận có quy định về việc mỗi “suất” đóng góp được hỗ trợ lại 5,7 triệu đồng. “Chúng tôi phát triển hệ thống theo hình thức đa cấp nhưng không phải là kinh doanh đa cấp, không mua bán sản phẩm. Có nhiều thành viên thì tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, đông người vào thì hỗ trợ thành viên nhanh, ít người vào thì hỗ trợ chậm”, ông Trung nói.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.