Theo Fox News, bức ảnh được camera HiRISE (High Resolution Imaging Science Experiment) trên tàu Mars Reconnaissance Orbiter chụp vào mùa hè năm nay.
HiRISE có nhiệm vụ chụp hình các đụn cát trên sao Hỏa theo định kỳ để nghiên cứu sự dịch chuyển đất. Những bức ảnh cũng cung cấp thông tin về sự xói mòn, chuyển động của vật chất trên bề mặt hành tinh, về gió, kiểu thời tiết, hạt đất và kích thước hạt. Đôi khi, chúng có thể hé lộ bản chất của lớp đất bên dưới.
Khi phóng to, bức ảnh cho thấy khoảng cách giữa các đụn cát và một bề mặt có nhiều đứt gãy. Theo NASA, bề mặt này có khả năng chống đỡ sự xói mòn do gió gây ra, chứng tỏ vật chất ở bề mặt là đá cứng bị tan vỡ dưới tác động lâu dài của lực uốn cong hoặc thay đổi nhiệt độ.
Một giả thuyết khác cho rằng bề mặt sao Hỏa có thể là một lớp trầm tích. Lớp bề mặt này từng có thời kỳ ngập nước, sau đó co lại và đứt gãy khi nước cạn khô.