Kỳ lạ ‘bức thông điệp’ gửi ma quỷ ngày Tết ở Tây Nguyên

Biểu diễn cồng chiêng quanh cây nêu.
Biểu diễn cồng chiêng quanh cây nêu.
TPO - Tây Nguyên có nhiều sản vật nhưng cũng lắm hiểm họa như thiên tai, thú dữ, bệnh tật... Có lẽ vì thế mà người bản địa thường dựng cây nêu trong lễ hội, gửi “bức thông điệp” trên “linh vật” này để cầu xin thần linh che chở, đồng thời “hối lộ” ma quỷ để mong được bình an.

Tết Nguyên đán Tân sửu 2021, phong trào làm nêu đón Tết lan tỏa rộng hơn ở một số địa phương. Dọc Quốc lộ 1A và một số tỉnh lộ ở phía Bắc, Tây Nguyên, Tây và Đông Nam bộ, có thể chiêm ngưỡng những hàng cây nêu được trang trí đẹp mắt để trừ tà và cầu mong những điều may mắn tốt lành.

Người Kinh thường chọn những cây tre dài, thân thẳng, độ lớn vừa phải để làm cây nêu; đặc biệt là những cây có cái ngọn cong vút để treo cờ hay lồng đèn vào đó. Nhiều người mắc dây  đèn led, đèn nháy lên cây nêu để tỏa sáng lung linh vào ban đêm.

Kỳ lạ ‘bức thông điệp’ gửi ma quỷ ngày Tết ở Tây Nguyên ảnh 1 Hàng nêu ven đường.

“Năm nay phong trào làm cây nêu đón Tết đang lan rộng ở quê tôi (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh - PV) đang lan rộng. Dựng một cây nêu trước ngõ chẳng tốn kém mấy, chỉ có vài trăm ngàn, nhưng không khí Tết rộn ràng hẳn lên”, bác Lê Văn Sang nói.  

Tết Nguyên đán trùng với mùa nông nhàn của các tộc người bản địa ở Nam Tây nguyên vì đã thu hoạch xong vụ lúa chính trong năm. Một số buôn làng tổ chức lễ hội mừng lúa mới, trong đó không thể thiếu cây nêu, “linh vật” của lễ hội.

Kỳ lạ ‘bức thông điệp’ gửi ma quỷ ngày Tết ở Tây Nguyên ảnh 2 Cây nêu trong lễ hội ở Tây Nguyên.

Cây nêu được làm rất công phu, cao trên 10m, gồm 3 phần: gốc, thân và ngọn. Gốc được chọn làm từ cây cóc rừng, thẳng đều, một đầu chôn xuống đất, đầu kia chuốt nhọn để gắn kết với thân nêu. Thân nêu là cây tre dài, được trang trí bằng hình ảnh chiêng, ché, xà gạc, mặt hổ...; phía trên đính 4 nhánh nêu bằng 4 cây le nhỏ dài cong vút tỏa rộng về 4 phía tạo cho cây vẻ đẹp tự nhiên, mềm mại. Trên cùng là ngọn nêu với hình ảnh con chim được đan bằng lồ ô. Nghệ nhân còn treo vài ống sáo lên cây nêu để khi gió thổi qua tạo nên âm thanh lạ tai, hòa cùng tiếng cồng, tiếng chiêng diệu vợi.

Kỳ lạ ‘bức thông điệp’ gửi ma quỷ ngày Tết ở Tây Nguyên ảnh 3 Cây nêu được trang trí công phu.

Theo già làng K’Să K’Lang (người K’Ho ở thôn Đông Mang, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), vì là “linh vật” kết nối sự giao tiếp giữa con người và thế lực siêu nhiên nên cây nêu thường được làm rất công phu. Nhiều người trong thôn cùng góp sức nhưng phải mất hơn một tuần mới làm xong cây nêu.

Mở đầu buổi lễ, chủ lễ bước ra trước giàn hiến tế khấn nguyện, mời các thần linh và ma quỷ về chung vui với dân làng. Sau khi khấn xong, chủ lễ đặt đầu con vật hiến sinh (lễ lớn thì giết trâu, lễ nhỏ thì lợn, gà…) lên giàn hiến tế và lấy máu của con vật này bôi lên cây nêu với ngụ ý gởi thông điệp mời thần linh và cả ma quỷ đến nhận lễ vật; mong các vị hãy thụ hưởng, vui chơi và đừng làm hại dân làng. Một phần thịt và bộ lòng được mang ra ngôi nhà ma để dâng cho ma quỷ.

Một số nơi vẫn còn giữ phong tục thú vị: Trước khi vào đêm hội, dân làng làm mặt nạ hoặc lấy các loại phấn màu vẽ lên mặt sao cho giống gương mặt của ma quỷ. Khi màn đêm buông xuống sẽ diễn ra những cuộc đấu vật giữa những người vừa hóa trang và đám ma quỷ. Ma quỷ bao giờ cũng thua và tức tối rời khỏi làng buôn để vĩnh viễn về làng ma.

 
Kỳ lạ ‘bức thông điệp’ gửi ma quỷ ngày Tết ở Tây Nguyên ảnh 4 Đeo mặt nạ để "chiến đấu với ma quỷ.
 Sau khi chiến thắng (một cách tượng trưng), các chiến binh của buôn làng xuống suối tắm rửa, tẩy trang rồi lội hoặc bơi theo dòng suối để về nhà. Mục đích là xóa hết dấu vết để các linh hồn không đi theo mình nữa mà trở về làng ma của họ.
MỚI - NÓNG