Vì sao Hải quan tịch thu loạt ô tô dính ‘đường lưỡi bò’?

Mẫu ô tô Hanteng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Mẫu ô tô Hanteng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
TPO - Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, vụ mấy xe ô tô nhập khẩu dính đường lưỡi bò, có tới 5 Nghị định có thể xử lý được vấn đề này. Tuy nhiên, sau khi họp, các bên thống nhất chọn phương án tịch thu vì vi phạm chủ quyền quốc gia.

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2019 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tại Hà Nội ngày 9/1, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nói có khó khăn, áp lực khi xử lý vụ việc ô tô nhập khẩu dính đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc.

Cụ thể, 7 ô tô hiệu Hanteng của Cty TNHH ô tô Hoa Mai (địa chỉ: Quốc lộ 10, xã Quốc Tuấn, Huyện An Lão, Hải Phòng) nhập khẩu về Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ cuối tháng 10; 1 xe Volkswagen Touareg CR745J được Cty TNHH ôtô Thế giới nhập về qua cảng TP.HCM tháng 10/2019.

“Chúng tôi rà soát Việt Nam có 5 Nghị định có thể xử lý được cái này. Sau đó chúng tôi chọn biện pháp xử phạt nặng, đủ sức răn đe là tịch thu tang vật”, ông Cẩn chia sẻ.

“Có người cho rằng, vấn đề “đường lưỡi bò” phí pháp của Trung Quốc chỉ ở màn hình nên chỉ cần tháo gỡ nó ra. Tuy nhiên, đây là vi phạm chủ quyền, phải xử lý theo dấu hiệu xâm phạm chủ quyền là tịch thu. Nếu xử lý tháo gỡ màn hình, sau họ nhờn, đưa đường lưỡi bò vào cánh cửa ô tô thì chúng ta phải gỡ cả cánh cửa ô tô ra à?”, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết thêm.

Vì có nhiều quy định ở các Nghị định, Luật chuyên ngành nên theo ông Cẩn khó khăn lớn nhất là xử phạt theo quy định nào, chính sách nào phù hợp và phải xin ý kiến nhiều nơi. Do đó, hiện số xe ô tô dính đường lưỡi bò vẫn đang có khiếu nại của các doanh nghiệp nhập khẩu về.

Riêng về xử phạt vi phạm xuất xứ, gian lận, vi phạm lĩnh vực hải quan hiện Việt Nam, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, có 7 Nghị định có liên quan, có thể vận dụng được, rất rối cho lực lượng thực thi. 

“Chúng tôi đang kiến nghị sửa Nghị định 127 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, đề nghị các Nghị định hướng dẫn luật chuyên ngành trên phải thống nhất”, Tổng cục trưởng Cẩn nói.

Ngoài vụ việc rúng động về xe có đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc, theo ông Cẩn, cơ quan này đang xử lý hàng loạt vấn đề về gian lận xuất xứ, xuất lậu. Cụ thể cơ quan liên ngành vừa bắt giữ 41 thuyền quặng ở Quảng Ninh xuất đi Trung Quốc. Qua kiểm tra, toàn là xuất quặng thô, không có sơ chế, doanh nghiệp khai thác không đúng với giấy phép để xuất sang Trung Quốc.

Một vụ việc liên quan đến gian lận xuất xứ, lẩn trốn xuất xứ là hàng chục nghìn chiếc xe đạp Trung Quốc xuất sang Mỹ giả nhãn mác Việt Nam. 

Ông Cẩn cho biết: “Hải quan kết hợp với Viện Kiểm sát đã ra quyết định tịch thu tang vật một doanh nghiệp và tịch thu các sản phẩm thành phẩm, sản phẩm dở dang. Liên ngành đang bắt giữ 100 container hàng vi phạm, gồm 30.000 xe đạp, gần 20.000 xe đạp điện. Doanh nghiệp thừa nhận không sản xuất chỉ nhập về lắp ráp và xuất đi Mỹ”.

Ông Cẩn cho biết, còn có 9 doanh nghiệp khác đang nằm trong diện theo dõi, giám sát chặt chẽ, sau Tết sẽ mở rộng xử lý. Tổng cục Hải quan cũng đã kiến nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Công Thương rút lại giấy cấp phép C/O ở một số doanh nghiệp không đủ điều kiện, sai phạm.

Ví dụ về vụ gian lận của công ty Asanzo trong năm 2019, ông Cẩn cho biết, khi được Thủ tướng giao, Hải quan đã làm toàn diện, tổ chức 2 lần họp công khai với các Bộ, ngành liên quan, sau đó báo cáo Thủ tướng về xử lý lỗi của doanh nghiệp.

Thanh tra thuế kết luận, các công ty con của doanh nghiệp này trốn thuế tiêu thụ đặc biệt và đến nay họ đã chấp hành, nộp lại. Tuy nhiên, về các dấu hiệu hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, bên phía cơ quan điều tra đang xác định.

Ông Cẩn cho biết, vụ việc Asanzo kéo dài, không ra được kết quả cuối cùng trong gây tác động xấu đến dư luận và cả doanh nghiệp này.

“Asanzo đang đầu tư mấy trăm tỷ ở dây chuyền công nghệ cao ở TP.HCM, tuy nhiên đang bị đình trệ. Nếu chúng ta sớm di vào cuộc, thống nhất thì sự việc sẽ được xử lý sớm”, ông Cẩn nói.

Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan đề nghị: Hải quan chỉ xử lý thuế và xuất xứ, chúng tôi đã làm xong, còn đề nghị Bộ Công Thương cần đưa ra chính sách, quy định thế nào là hàng Việt Nam.

“Sinh con ra rồi, không có tên, không có họ, không biết nó là dạng gì? Phải có chính sách rõ ràng về “Made in Vietnam” để cho các cơ quan thực thi trách nhiệm không gặp khó”, Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan nói.

Theo ông Cẩn: “Sửa Thông tư thì chỉ 1 trang giấy, một câu, một dòng là xong. Có mỗi thế thôi mà không làm được! Tôi đề nghị thời gian tới các Bộ nên quyết liệt để tháo gỡ cái này”

MỚI - NÓNG