Vì sao chưa xử lý xong vụ Asanzo?

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trả lời báo chí tại cuộc họp báo tổng kết sáng 3/1. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trả lời báo chí tại cuộc họp báo tổng kết sáng 3/1. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, đối với vụ Asanzo, Chính phủ rất kiên quyết, chỉ đạo các lực lượng chức năng làm đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng. 

Thông tin trên được ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia trả lời báo chí tại cuộc họp báo tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 vào sáng 3/1.

Theo ông Thế, lực lượng công an đang điều tra, chưa có kết luận cuối cùng đối với vụ Asanzo có nhiều dấu hiệu làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

“Đến giờ phút này, cơ quan chức năng đã gửi báo cáo đến Chính phủ. Vụ việc đã được chuyển công an điều tra, không để bỏ lọt tội phạm. Chính phủ rất kiên quyết, chỉ đạo các lực lượng chức năng làm đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng”, ông Đàm Thanh Thế cho hay.

Ông Thế nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chờ cơ quan công an xử lý, kết quả sẽ thông báo sau”.

Trước đó ngày 2/1, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo 138/CP và Ban chỉ đạo 389 quốc gia, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng nhấn mạnh, Asanzo là vụ việc điển hình của giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Ông Cẩn cho rằng, chính sách pháp luật của Việt Nam còn có khoảng trống, thiếu khiến các đối tượng lợi dụng để trục lợi. 

“Hàng nước ngoài thành phẩm và bán thành phẩm, bán ra nước ngoài được coi là hàng Việt nhưng tiêu thụ trong nước không biết gọi là gì, giống như có khai sinh mà không có họ, gây khó khăn trong quản lý, nên đề nghị sớm sửa thông tư", Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho biết.

“Nếu bộ ngành thống nhất cao, quy định pháp luật rõ ràng, vụ Asanzo không đến mức như vậy", ông Cẩn nói.

Ông này đề nghị trong quý I các bộ ngành cần rà soát, nếu là thông tư phải ban hành rõ ràng để hướng dẫn thực hiện đúng; nếu là Nghị định, cần thống nhất, sửa đổi, tránh tình trạng khi có vụ việc, hành vi, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý đều bối rối.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16%), thu nộp ngân sách nhà nước 20.118 tỷ đồng (tăng gần 4%), khởi tố 1.883 vụ (tăng 30%), 2.231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ 2018).
   

MỚI - NÓNG