Trả lời về vấn đề doanh nghiệp gian lận gắn mác hàng hoá “made in Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, việc này cần nghiên cứu kĩ, không thể kết luận, kết tội vội vàng, do quy định pháp lý trong lĩnh vực này chưa rõ ràng.
“Trong trường hợp pháp luật chưa đủ rõ ràng, rất khó để kết tội người dân và doanh nghiệp”. ông Lộc nói.
Trước thực trạng này, Chủ tịch VCCI kiến nghị, Nhà nước phải có quy định rành mạch, rõ ràng về việc sử dụng nhãn mác tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Trên cơ sở pháp lý ban hành, doanh nghiệp có trách nhiệm tuân thủ.
“Chúng tôi đề nghị ban hành sớm các quy định này. Dự thảo các quy định này đưa ra còn rất nhiều ý kiến khác nhau, cơ quan Nhà nước cần sớm ban hành quy định ghi nhãn mác xuất xứ trong kinh doanh nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở đó hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ, và xử phạt nếu sai phạm”, đại diện VCCI bày tỏ.
Điểm lại vụ việc Asanzo, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, câu chuyện Asanzo không chỉ là của họ, mà là vấn đề của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Nếu xử lý không khéo, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chính đáng của hàng loạt doanh nghiệp khác.
Chia sẻ bên lề hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính” hôm nay, chủ tịch VCCI nhấn mạnh: “Kinh doanh liêm chính là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Thực hiện kinh doanh liêm chính tạo ra môi trường phát triển lành mạnh, bình đẳng, đem lại chính lợi ích cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận thị trường, phát triển sản phẩm.
Ông Lộc cho biết, hiện nay nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn môi trường kinh doanh có độ liêm chính cao. Xây dựng văn hoá kinh doanh có trách nhiệm, chuẩn mực là điều kiện cần nếu doanh nghiệp muốn chiến thắng trên thương trường, chiếm cảm tình của khách hàng, nhà đầu tư.