Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Facebook và Google chưa thực hiện như Luật An ninh mạng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý
TPO - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay dữ liệu Facebook và Google chưa thực hiện như Luật An ninh mạng. Sau này, có Nghị định hướng dẫn sẽ thực hiện nội dung này. Việc phát tán tin vẫn là con người, nên để hạn chế tin xấu độc. Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, coi đây như một đạo Luật Đạo đức về ứng xử của không gian mạng.

Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn. Trước câu hỏi của ĐBQH về việc mạng xã hội nước ngoài chưa tuân thủ luật pháp Việt Nam, có phải do luật pháp Việt Nam chưa đủ mạnh và chưa đủ nguồn lực không, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chúng ta tuyên bố chúng ta là một nước có chủ quyền, mà chủ quyền không chỉ trong không gian như biển và đất liền mà còn cả chủ quyền trên không gian mạng.

 “Các quy định pháp luật cũng theo hướng chúng ta bảo vệ chủ quyền”, ông Hùng nói, đồng thời đồng tình với nhận định của ĐBQH về việc chưa mạnh tay xử lý. Cụ thể, theo ông Hùng, trên facebook hiện nay, khoảng trên 50 triệu người Việt Nam đang dùng vào nhiều việc khác nhau, trong đó có cả vấn đề về kinh tế.

 Ông Hùng cho rằng, qua từng bước, đến nay đã đạt được sự thống nhất các cấp về các biện pháp, các tình huống, các kịch bản xử lý đối với mạng xã hội. “Bây giờ đến giai đoạn hành động. Có mấy việc phải làm, một là đến nơi kinh doanh thì phải đóng thuế. Hai là đến nơi kinh doanh thì phải tuân thủ luật pháp Việt Nam”, ông Hùng nói.

 Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) đặt câu hỏi về việc xây dựng hệ thống mạng xã hội trong nước như thế nào, đủ mạnh để có thể cạnh tranh và tiến tới thay thế dần mạng xã hội nước ngoài. Ông Hùng cho rằng, sau này là nền kinh tế số mà không làm chủ không gian này thì rất khó nói mức độ tự chủ nền kinh tế.

“Khi tôi lên nhận Bộ trưởng các mạng xã hội ở Việt Nam cỡ khoảng gần 50 triệu, kể cả những mạng xã hội nhỏ. Sau khi chúng ta tập trung thúc đẩy, sau một năm, mạng xã hội Việt Nam là 65 triệu tăng 30%, trong đó có 2 mạng xã hội lớn và 8 mạng xã hội nhỏ. Với tốc độ này thì đến năm 2020 là 90 triệu người dùng và mục tiêu của chúng ta đặt ra cũng tương đương với các mạng xã hội nước ngoài”, ông Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ TT&TT lý giải, đặt vấn đề ít nhất là tương đương với mạng xã hội nước ngoài, vì bây giờ chúng ta nghĩ gì, nói gì, thậm chí yêu ai, mua gì đều nằm ở thông tin trên mạng xã hội. Điều gì sẽ xảy ra nếu như tất cả các thông tin đó ở một mạng xã hội. Có nghĩa rằng, não người Việt Nam tập trung vào một chỗ mà chỗ đấy hiện không nằm ở Việt Nam và sau này người ta sẽ dùng vào việc gì? Bây giờ mới dùng và quảng cáo. Rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia. Cho nên, nếu chúng ta có một không gian của chúng ta nữa mà mỗi người đều dùng vài mạng xã hội. Có nghĩa, chúng ta không nằm 100% ở đâu cả, chúng ta phân tán dữ liệu đó và tạo ra sự an toàn”, ông Hùng nói.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, Việt Nam không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. Mỗi mạng xã hội có chức năng riêng , có không gian riêng, khách hàng riêng. “Đất nước ta mở, chúng ta phải mời gọi mọi người vào đây làm ăn, thậm chí Thủ tướng Chính phủ còn động viên, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Chúng ta chỉ có một điều kiện, ai vào đây làm ăn cũng được càng nhiều càng tốt, nhưng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Vào đây làm ăn thịnh vượng nhưng phải làm cho Việt Nam thịnh vượng, chứ không thể vào đây mà thịnh vượng rồi làm cho dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam lụi bại. Cho nên mạng xã hội Việt Nam là song song tồn tại với điều kiện mạng xã hội nước ngoài, tuân thủ luật pháp Việt Nam như các mạng xã hội Việt Nam”, ông Hùng nói.

Liên quan đến mạng xã hội “made in Việt Nam”, ông Hùng cho biết, hiện nay đã cũng có những mạng xã hội trong nước do người Việt Nam đạt trên 50 triệu người dùng . “Bây giờ giúp họ như thế nào ? Mình bảo cần thiết phải đổ tiền vào thì họ bảo không, họ chỉ mong một việc  là quản lý nhà nước thì làm thế nào để đừng bảo hộ ngược, nếu làm được việc đấy, chúng tôi sẽ phát triển mạnh mẽ và thậm chí là có thể có những mạng xã hội mới ví dụ như là Lotus”, ông Hùng nói.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đặt câu hỏi mạng xã hội Lotus vừa ra mắt người dùng từ ngày 16/9/2019 với tổng mức chi phí đầu tư là 1.200 tỷ, đến nay mạng đã thu hút được bao nhiêu người sử dụng.

“Hiện nay các địa phương rất mong muốn đội ngũ viên chức, công chức và nhân dân dùng mạng xã hội này để phục vụ cho việc thông tin, tuyên truyền. Vậy, Bộ TT&TTcó hướng dẫn gì để việc triển khai được thuận lợi. Một số người sử dụng mạng này phàn nàn là mạng xã hội này chưa hấp dẫn, việc đăng ký rất phức tạp nên họ không muốn tiếp tục sử dụng. Trong thời gian tới, Bộ có những cải tiến gì để khắc phục các hạn chế, hấp dẫn người sử dụng hơn?”, bà Nga nói.

Theo Bộ trưởng Hùng, hiện nay, mạng xã hội Lotus có 1 triệu người dùng, hiện dừng ở đây để rà trơn. “Phát triển mạng xã hội cũng không nhanh được. Thường thường khoảng 1 triệu phải dừng lại rà trơn, chấn chỉnh và khi thấy ổn rồi, thấy thuận lợi, tốt rồi mình mới mở một chiến dịch truyền thông, quảng cáo, khuyến mại để tăng số thuê bao. Tôi nghĩ cách tiếp cận này là phù hợp. Đến khi mạng xã hội đó đạt được khoảng trên 5 triệu, tức là nó bắt đầu là một mạng xã hội hội ổn, với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ sẽ đánh giá, cả về độ an toàn thông tin, về hạ tầng kỹ thuật, nếu thấy nó tốt, thấy nó đạt tiêu chuẩn mình sẽ khuyến nghị cho các cơ quan nước mình dùng”, ông Hùng nói.

Facebook và google chưa thực hiện theo Luật An ninh mạng

Liên quan đến câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) về việc Facebook và Google đã thực hiện chuyện lưu dữ liệu Việt Nam chưa? Hành lang pháp lý đã đủ chưa. Nếu giả sử sau này là đủ hành lang pháp lý, liệu rằng có ngăn chặn triệt để những thông tin độc hại trên không gian mạng không?

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, hiện nay dữ liệu Facebook và Google chưa thực hiện như Luật An ninh mạng. Sau này, có Nghị định hướng dẫn sẽ thực hiện nội dung này. Việc phát tán tin vẫn là con người, nên để hạn chế tin xấu độc. Bộ sẽ trình Thủ tướng ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, coi đây như một đạo Luật Đạo đức về ứng xử của không gian mạng.

“Chúng tôi nghĩ rằng cái xấu có thể hạn chế, cũng khó nói là triệt để, tức là không được, vì ngay khi pháp luật vừa ban hành những cuộc sống đã thay đổi rồi. Chúng ta có thể nói, nếu cả xã hội chung tay cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng sau khi hệ thống văn bản pháp luật được đầy đủ”, ông Hùng nói.

MỚI - NÓNG