'Hôn nhân bất thành' với VietinBank, PGBank đang tìm đến MB Bank?

PGbank đang mong muốn về với MB Bank - một định chế tài chính lớn?
PGbank đang mong muốn về với MB Bank - một định chế tài chính lớn?
TPO - Thị trường ngân hàng đang “dấy” lên thông tin về một khả năng bỏ ngỏ có thể Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) sẽ sáp nhập về với Ngân hàng Quân đội (MB bank). Theo nguồn tin của Tiền phong, hiện Ngân hàng Nhà nước đã “bật đèn xanh” cho hai bên tự tìm hiểu, còn có về với nhau hay không, sẽ phụ thuộc vào chính cả MB và PGbank.

'Hôn nhân bất thành' nên tìm đối tác mới?

Tại đại hội cổ đông Ngân hàng Quân đội (MB bank) diễn ra ngày 29/3 vừa qua, có một cổ đông của MB đã gửi tới Hội đồng Quản trị câu hỏi: Hiện một số thông tin cho rằng MB sẽ sáp nhập với PGBank. Trên thực tế MB có ý định sáp nhập không? Không ngần ngại, Phó chủ tịch HĐQT kiêm CEO MB ông Lưu Trung Thái đã khẳng định: Về ý định sáp nhập, chúng tôi cũng có nghiên cứu một số ngân hàng, trong đó quả thực có PGBank. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán, đánh giá.

Trên thực tế, với những gì Tiền Phong thu thập được, câu trả lời này của ông Thái là hoàn toàn chuẩn xác. Bởi trước đó cuối năm 2017, tin đồn này đã từng xuất hiện khiến thị trường bất ngờ và nháo nhào tìm hiểu. Tuy nhiên khi đó, tất cả công luận đều bán tín bán nghi và cho rằng đó là tin “thất thiệt” bởi theo đúng lộ trình, PGBank đã được Ngân hàng Công thương (VietinBank) mới chính là hai ngân hàng từng bàn đến chuyện hôn phối.

Còn nhớ, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015, Vietinbank đã thông qua phương án sáp nhập PG Bank. Theo đó, Vietinbank sẽ sáp nhập với PG Bank thông qua phương thức hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1:0,9, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi 0,9 cổ phiếu CTG.

Về lộ trình, lãnh đạo Vietinbank cho biết, ngân hàng đã hoàn thành hợp đồng sáp nhập trong 3 tháng đầu năm 2015, dự kiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ đưa ra chấp thuận về mặt cơ bản vào tháng 6/2015. Vietinbank sẽ phát hành cổ phiếu mới và cần thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để được niêm yết trên sàn HSX trong quý III/2015. Tuy nhiên, hai mùa đại hội nữa đã trôi qua, việc sáp nhập giữa hai ngân hàng tới thời điểm này vẫn chưa thể hoàn tất.

Cuộc 'hôn nhân' giữa VietinBank và PGBank đã đổ bể vì sao? Trả lời Tiền Phong, một lãnh đạo VietinBank khi đó không giấu diếm đúng là cả hai bên đã chính thức “từ hôn” (tại đại hội cổ đông 2017 VietinBank chỉ công bố lỗi hẹn sáp nhập - PV). Lý do bởi không tìm được tiếng nói chung trong một số điểm trong đó có cả việc chuyển đổi tỷ lệ cổ phiếu PGBank và VietinBank khi sáp nhập. Còn một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng "bật mí" với phóng viên rằng đúng là “hôn nhân” giữa hai bên đã không thành và hiện NHNN cho phép MB nghiên cứu tìm hiểu.

'Hôn nhân bất thành' với VietinBank, PGBank đang tìm đến MB Bank? ảnh 1 Lãnh đạo Ngân hàng Quân đội (MB) đang bỏ ngỏ cho biết khả năng tìm hiểu và sáp nhập PGBank là có thể 

PGBank sẽ về với MB?

Vì sao PGBank vì sao phải tính đến tìm ngân hàng "cửa trên' sáp nhập? Lần lại quá khứ, thời điểm nở rộ các ngân hàng, từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, Tổng công ty xăng dầu Việt nam (Petrolimex) khi đó đã đầu tư ngoài ngành vào PGBank trái quy định khi tăng thêm 400 tỷ đồng vào PGBank mà không xin ý kiến Bộ Công Thương. Sau đó, dù Chính phủ yêu cầu thoái vốn khỏi PGBank nhưng đến nay Petrolimex vẫn chưa thực hiện được.

Petrolimex hiện là cổ đông lớn nhất của PGBank, đóng góp 1.200 tỷ đồng trong tổng vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng của ngân hàng này. Như vậy, vốn Petrolimex chiếm 40% vốn PGBank, vi phạm Luật các tổ chức Tín dụng (tối đa chỉ được đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực ngân hàng 20%).

Năm 2016, với hơn 1.400 nhân viên hoạt động trong toàn hệ thống, PGBank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 153 tỷ đồng (đạt 55% kế hoạch). Nhiều chỉ tiêu kinh doanh đặt ra trong năm 2016 hầu như ngân hàng không hoàn thành.

Theo BCTC bán niên đã soát xét của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank), tính đến thời điểm ngày 30/6/2017, tổng tài sản của ngân hàng PGBank đạt 27,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với thời điểm đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%. Tiền gửi của khách hàng đạt 20,2 nghìn tỷ đồng, tăng 11%. Tổng số nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2017 là 486 tỷ đồng, chiếm 2,51% trên tổng dư nợ. Tại thời điểm đầu năm, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 2,45%. Giá trị trái phiếu VAMC ngân hàng nắm giữ ở mức 2.229 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 529 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 348 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Ngân hàng PG Bank cũng vừa có thông báo về cuộc họp ĐHCĐ bất thường năm 2018. Theo đó, nội dung cuộc họp là để thông qua phương án tái cơ cấu ngân hàng. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự là 6/4/2018. Ngày tiến hành họp là vào thứ bảy, ngày 21/4/2018.

Về với MB, PGBank sẽ  được gì? Theo bình luận của giới đầu tư,  trên thị trường ngân hàng, MB là một tên  tuổi, định chế tài chính  khá nổi trội với đường hướng chiến lược rõ ràng và sức mạnh tài chính nặng ký. Ngân hàng cũng liên tục nhiều năm giữ vị trí quán quân trong khối cổ phần và vẫn  giữ quan điểm sẽ luôn duy trì thế chân kiềng mạnh và ổn định, khiến nhiều đối thủ phải luôn kiềng nể

Tại Đại hội cổ đông thường niên của MB Bank, cổ đông MB Bank đã thông qua kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 đầy tham vọng lên đến 47% là 6.800 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế Ngân hàng mẹ tăng trưởng 21%, đạt 6.500 tỷ đồng.  Ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.449,5 tỷ đồng trong năm 2018, bao gồm 907,8 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 5% và 2.541,7 tỷ đồng là từ phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 14%. Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng

MỚI - NÓNG