Tại tọa đàm Phục hồi tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới, do Đại học Kinh tế quốc dân tổ chức sáng 11/7, các chuyên gia nhận định, sự sụt giảm mạnh trong tổng cầu của nền kinh tế khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% cả năm rất khó khăn. Qua 6 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, thấp nhất trong gần 10 năm trở lại đây.
TS. Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại Kinh tế quốc dân - cho biết, cần tập trung các giải pháp thúc đẩy kinh tế khi cả 3 động lực tăng trưởng từ phía cầu đều suy giảm. Trong bối cảnh hiện nay, việc kích cầu phải thực sự kịp thời, bởi tình hình kinh tế diễn biến nhanh, chính sách thực hiện luôn có độ trễ (giảm thuế VAT, giải ngân đầu tư công, nhà ở xã hội đang khá chậm).
Toạ đàm Phục hồi Tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới. |
Ông Thế Anh cũng khuyến nghị, các biện pháp kích cầu chỉ nên thực hiện tạm thời. Các chính sách kích cầu thời gian tới nên tập trung vào 3 vấn đề: Đầu tư tư nhân, đầu tư công, và tiêu dùng. Việc khuyến kích đầu tư tư nhân cũng cần lưu ý tới việc kiểm soát tăng trường cung tiền (quanh 10%) và tránh nôn nóng, hạ lãi suất dồn dập.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định, kinh tế Việt Nam đang có nhiều khó khăn nên các rủi ro cần được nhận diện đúng. Với bối cảnh như vậy, ông Thiên cho rằng, cần có giải pháp cho tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm khi doanh nghiệp trong nước đang khó khăn, khối FDI cũng suy giảm.
Ông Thiên bày tỏ lo ngại về sự sụt giảm của chỉ số sử dụng lao động 6 tháng đầu năm, đặc biệt ở các đầu tàu công nghiệp Bình Dương (giảm 12,4%), Bắc Ninh (giảm 8%)… “Giai đoạn này cũng là cơ hội cho Việt Nam nhận diện lại tất cả cấu trúc của nền kinh tế”, ông Thiên nói.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - nhận định, đây là thời điểm khó khăn của kinh tế Việt Nam. "Chính phủ có nhiều giải pháp, nhưng hoá giải được thì phải giải quyết vấn đề không ai muốn làm", ông Cung nói.
TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ tại tọa đàm. |
Để thúc đẩy nhanh đầu tư công, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần bỏ khâu triển khai chủ trương đầu tư. Tất cả dự án đầu tư công hiện nay đã có trong quy hoạch nên chỉ cần triển khai ngay quyết định đầu tư. Bỏ được khâu này, chúng ta có thể rút ngắn 3-4 năm.
Ông Cung cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại Luật đầu tư công, Luật đầu tư và các văn bản pháp luật liên quan, loại bỏ những điều kìm hãm đầu tư công. "Mỗi khâu xin phép lại là một rủi ro, cần mạnh dạn bỏ đi", ông Cung nói.
Tại toạ đàm, bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới - đưa ra dự báo, năm 2023, GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế sẽ phục hồi đến khoảng 5,5-6%.