Kinh tế Đông Nam Á trì trệ vì tham nhũng

Kinh tế Đông Nam Á trì trệ vì tham nhũng
Daniel Kaufmann - chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) về chống tham nhũng - cho rằng để ngăn chặn tham nhũng ở Đông Nam Á (ĐNA) cần những thay đổi về thái độ cũng như trong các định chế điều hành.
Kinh tế Đông Nam Á trì trệ vì tham nhũng ảnh 1

Ông Trần Thủy Biển nói chuyện với báo chí sau khi được trả tự do nhờ nộp tiền tại ngoại hôm 13-12. Nhà cựu lãnh đạo Đài Loan bị cho là dính líu đến nhiều vụ tham nhũng thời đương quyền - Ảnh: Reuters

Ông Daniel Kaufmann, người đứng đầu cơ quan về cải thiện quản lý và điều hành pháp luật của WB, ước tính số tiền dùng để hối lộ hằng năm trên thế giới hiện có thể lên tới 1.000 tỉ USD.

Nhiều bằng chứng cho thấy “các chiến dịch chống tham nhũng, thành lập thêm các ủy ban hay cơ quan về đạo đức, rồi việc thiết lập thêm liên tiếp các luật, nghị định và quy định mới” không đem lại hiệu quả nhiều. Ông cho rằng “những cải cách mang tính nền tảng về quản lý” là cần thiết.

Triệt tham nhũng, lợi kinh tế

Khi các nhà ngoại giao trốn vé đậu xe

Điều tra về đậu xe ở New York (Mỹ) cho thấy tiền phạt đối với các nhà ngoại giao châu Á từ năm 1997-2002 là 18 triệu USD. “Hành vi đậu xe bất hợp pháp hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về tham nhũng, lạm dụng quyền để trục lợi cá nhân" - các chuyên gia viết. Kuwait được coi là nước vi phạm nhiều nhất với mỗi nhà ngoại giao có 246,2 vi phạm. Indonesia là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á với mức 36,1 vi phạm, Thái Lan xếp tiếp theo ở mức 24,5 lần. 

“Những thói quen liên quan đến tham nhũng rõ ràng đã có gốc rễ rất sâu, và có những yếu tố khác quan trọng hơn việc áp đặt luật pháp nhằm thay đổi hành vi tham nhũng" - Fishman và Miguel, hai người tiến hành điều tra, nói.

Reuters cho biết điều này đặt dấu hỏi về việc liệu chống tham nhũng sẽ cần hàng nhiều năm hay thậm chí nhiều thế hệ để có thể hiện thực được.

Các nhà kinh tế nghiên cứu về điều hành chính phủ cũng cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng không thể chỉ là mệnh lệnh mang tính đạo đức, mà phải được xem như việc cần thiết để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và đầu tư về dài hạn. Theo Reuters, điều này có thể thấy từ những lợi ích kinh tế cụ thể ở những nền kinh tế như Singapore hay Hong Kong - những nơi chống tham nhũng rất tốt. Trong khi đó, những nước bị tụt lại ở Đông Nam Á đang khiến nhiều nhà đầu tư bỏ đi do e ngại những tiếng xấu nơi đó.

GS Johann Graf Lambsdorff tại ĐH Passau - người lập ra chỉ số tham nhũng (CPI) cho Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transperancy International - TI) - đánh giá: “Dòng vốn quốc tế bị ảnh hưởng mạnh bởi vấn đề tham nhũng. Thường dòng vốn sẽ chảy về các nước biết hạn chế tình trạng tham nhũng". 

Theo các chuyên gia, không có cách nào thật sự khách quan để đo đếm được tham nhũng. Hầu hết các phương pháp hiện nay đều dựa trên những nhận định quan sát. Hai trong số các chỉ số được theo dõi nhiều nhất là chỉ số quản lý nhà nước (Governance Indicators) của Kaufmann ở WB và chỉ số CPI của TI cũng thường tập hợp một loạt điều tra để đưa ra những bảng xếp hạng tổng hợp. Đến nay cả hai chỉ số này nhìn chung đều đưa ra bức tranh khá thống nhất về khu vực Đông Nam Á.

“Cổ tức phát triển“

Singapore được coi là nước đứng đầu khu vực trong hầu hết các bảng xếp hạng về chống tham nhũng. Đối lập lại, Myanmar bị xem là nước tham nhũng nhất trong tổng số 180 quốc gia và lãnh thổ được TI xếp hạng (chỉ Somalia có chỉ số tệ hơn). Trong những nền kinh tế mới nổi thu hút nhiều nhà đầu tư, Malaysia được xem là có lợi thế vượt trội với chỉ số của WB năm 2007 là 62,3, Thái Lan 44, VN 28, Indonesia 27,1 còn Philippines là 22,2. Xếp hạng CPI của TI cũng cho kết quả tương tự.

Các nhà kinh tế khẳng định các dữ liệu khác nhau cho thấy lý thuyết về một phần “cổ tức phát triển” dành cho các nước biết đối phó với tham nhũng là đúng đắn. GS Lambsdorff nói có những bằng chứng thuyết phục là không chỉ đầu tư trực tiếp (FDI) bị ảnh hưởng mà uy tín đầu tư của các quốc gia cũng bị ảnh hưởng bởi tham nhũng. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi tính toán rằng một quốc gia cải thiện được mức quản lý của mình từ mức thấp lên mức trung bình có thể tăng gấp ba thu nhập bình quân đầu người về dài hạn, đồng thời có thể giảm được tỉ lệ trẻ sơ sinh tử vong và tình trạng thất học ở trong nước".

Các nhà kinh tế đồng ý rằng việc thắt chặt luật vẫn chưa đủ để chống lại tình trạng tham nhũng. Điều cần thiết hơn là việc cải cách toàn bộ về cách thức quản lý, các định chế và thay đổi thái độ trong xã hội. Chuyên gia Kaufmann cho rằng vẫn có thể đạt được những bước tiến trong ngắn hạn. Indonesia từng được xếp hạng là nước có tỉ lệ tham nhũng nhất trên thế giới năm năm trước nhưng giờ có tỉ lệ tốt hơn Philippines trên hầu hết các bảng xếp hạng - một bước tiến lớn nếu tính lợi thế so sánh khi nhà đầu tư đưa ra các quyết định.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.