Tây Nguyên hạn nặng:

Kiệt nước sinh hoạt, nguy cơ cháy rừng

Hồ cạn trơ đáy
Hồ cạn trơ đáy
TP - Đã vào giữa mùa khô, nắng hạn ngày càng gay gắt khiến hàng nghìn héc ta cây trồng bị chết cháy. Nguy cơ thiếu nước mất mùa đe dọa hàng nghìn hộ dân, buộc các ngành chức năng phải xem xét lại việc chủ động chống hạn cho phù hợp với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Nắng tháng ba, bà già gánh nước

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 6.000 ha cây trồng bị hạn. Khô hạn đã làm mất trắng gần 2.000 ha cây trồng tại 10 huyện, nhiều nhất tại các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Ana, Ea Kar, Lắk… ước tính thiệt hại gần 93 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 4.000 ha cây trồng khác tại các huyện này cũng đứng trước nguy cơ mất trắng.

Ông Trần Văn Cứ, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Kty (huyện Krông Bông) xác nhận: “Tình hình khô hạn trên địa bàn đang ở mức lo ngại. Nước sinh hoạt người dân còn tự tìm được cách xoay xở, chớ mấy chục hécta lúa hạn đòng sắp trổ đòng và cà phê sắp chết héo thì phải chờ cấp trên cứu giúp. Người dân hiện phải bơm chuyền nước từ sông về Bàu Lác, rồi mới bơm nước từ Bàu lên tưới vô đồng nên rất tốn kém. Lãnh đạo huyện đã đồng ý trích 80 triệu đồng ngân sách hỗ trợ xã cấp nước sinh hoạt cho dân”.

Huyện Krông Bông là một trong những vùng hạn nặng nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện tại gần 1.500 hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại xã Chư Kty, nhiều ao hồ cạn trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, cỏ cây khô héo. Hàng trăm hộ dân phải dùng xe công nông, xe trâu, quang gánh đi hàng cây số để mua nước về sinh hoạt.

Kiệt nước sinh hoạt, nguy cơ cháy rừng ảnh 1

Cụ bà Nguyễn Thị Ba gánh nước

Dưới cái nắng chói chang trưa tháng 3, chúng tôi gặp hình dáng xiêu vẹo của bà Nguyễn Thị Ba, 70 tuổi ở thôn 2 đi gánh nước. Bà thều thào nói: “Hơn 3 tháng rồi trời không có một giọt mưa, ao hồ đều cạn trơ đáy, giếng khoan 2 lần cũng không ra nước. Mọi người trong gia đình phải ra đồng chống hạn, thân già như tôi mà không đi gánh nước thì cả nhà lấy chi mà uống, lấy chi mà tắm?”.

Dồn tiền khoan giếng, vét ao

Tại nhiều khu dân cư ở thành phố Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Ðôn, Cư M’gar, Ea Súp v.v… người dân phải chắt chiu từng giọt nước. Mực nước tại các sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuống thấp, nhiều ao hồ đã cạn trơ đáy. Ngay cả dòng sông Sêrêpôk cuồn cuộn hùng vĩ mà nay cũng có đoạn khô tới mức công ty du lịch phải ngày ngày thuê người bơm nước từ giếng khoan lên tưới cứu rặng si già giữa sông.

Ông Y Thơng K’doh, buôn trưởng buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk cho biết: Buôn có 80 hộ dân, nhiều năm qua sống bằng nước sông Sêrêpôk. Lúc sông Sêrêpôk khô, làm nước ô nhiễm, người trong buôn phải mua nước bình về uống. Còn nước sinh hoạt thì phải xuống các vũng đọng dưới sông múc về. 16 ha lúa của đồng bào buôn Trí A trồng trong VQG Yok Đôn đã khô chết gần hết.

Huyện Krông Bông là một trong những vùng hạn nặng nhất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hiện tại gần 1.500 hộ dân đang lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại xã Chư Kty, nhiều ao hồ cạn trơ đáy, đồng ruộng nứt nẻ, cỏ cây khô héo. Hàng trăm hộ dân phải dùng xe công nông, xe trâu, quang gánh đi hàng cây số để mua nước về sinh hoạt.

Để chống hạn kịp thời, một số địa phương đã chủ động hỗ trợ kinh phí cho công tác chống hạn và hỗ trợ cấp nước sinh hoạt. Huyện Krông Ana ứng chi 1,7 tỷ đồng, huyện M’Đrắk chi 120 triệu.

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Đắk Lắk, hiện ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực phối hợp với chính quyền các cấp triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn, và khuyến cáo các địa phương tiết kiệm nước.

Gần một nghìn hecta cây trồng ngoài kế hoạch bị hạn cho thấy phải quyết liệt hơn trong việc khoanh vùng diện tích canh tác.

Giáp ranh Đắk Lắk là tỉnh Đắk Nông, địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn, đồng thời cũng là một trong vài tỉnh từ đầu mùa khô 2014 đã bị xếp vào nhóm có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm. Chi cục Kiểm lâm Đắk Nông dự báo mùa khô năm nay có khả năng kéo dài nên đã cấp tốc triển khai xây dựng các đường băng cản lửa, lập phương án phòng chống cháy cho 264.596 ha rừng cần bảo vệ.

Chính nhờ độ che phủ rừng còn lớn, mà nguồn nước ngầm Đắk Nông chưa đến nỗi quá cạn kiệt như nước ngầm Đắk Lắk. Tận dụng lợi thế này, người dân khắp tỉnh Đắk Nông đã dồn tiền đào ao, vét giếng chủ động chống hạn.

Riêng một xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song đã có khoảng 2.000 ao, hồ do dân tự đào có khả năng dự trữ đủ nước sinh hoạt cho mùa khô, bảo đảm hơn 3.500 ha cây trồng các loại trên toàn xã không bị thiếu nước. Tuy nhiên, cán bộ các ngành liên quan vẫn nhắc nhở người dân sử dụng nước tiết kiệm và hợp lý, bảo vệ nguồn nước dự trữ, xin cấp trên duyệt kinh phí xây thêm hồ đập.

MỚI - NÓNG