Kiến nghị Quốc hội sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
TPO - Sáng 21/5, Chính phủ và Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đều thống nhất kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, quy định tại Điều 60 Luật BHXH năm 2014 về BHXH một lần là quy định phù hợp với xu hướng phát triển chung và bảo đảm quyền thụ hưởng lâu dài của người lao động, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khi Luật BHXH năm 2014 vẫn chưa có hiệu lực thi hành thì một bộ phận người lao động chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam có kiến nghị được lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH như quy định tại Luật BHXH năm 2006.

“Nguyên nhân dẫn đến sự việc nêu trên do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương thực tế còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt, chưa nghĩ đến cuộc sống sau này khi về già. Nhiều người lao động từ khu vực nông thôn vào làm việc cho các doanh nghiệp nhưng không có ý định gắn bó lâu dài mà làm việc một thời gian để tích lũy tiền lương, tiền đóng BHXH để làm vốn về quê làm ăn”, bà Chuyền lý giải.

Theo bà Chuyên, để đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận người lao động Chính phủ thống nhất đề nghị xem xét, sửa đổi Điều 60 của Luật BHXH năm 2014 theo hướng cho phép người lao động khi chưa đủ điều kiện về thời gian để hưởng lương hưu sau một năm nghỉ việc nếu không tiếp tục đóng BHXH thì có quyền lựa chọn hưởng BHXH một lần hoặc tiếp tục bảo lưu thời gian đóng BHXH bảo hiểm xã hội như quy định của Luật BHXH năm 2006.

“Việc sửa đổi như trên sẽ tạo cơ chế linh hoạt trong chính sách BHXH, đáp ứng được nguyện vọng của một bộ phận người lao động không có điều kiện và khả năng tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu hàng tháng”, bà Chuyền nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bà Chuyền cũng cho rằng, cùng với việc sửa đổi như trên, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ các lợi ích của việc bảo lưu thời gian đóng BHXH, bảo đảm cuộc sống khi về già để người lao động cân nhắc thận trọng hơn mỗi khi đưa ra quyết định lựa chọn hưởng BHXH một lần.

Tán thành với đề xuất sửa đổi của Chính phủ, Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị cần xây dựng lộ trình nâng dần điều kiện hưởng BHXH một lần (ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất điều chỉnh điều kiện người lao động nghỉ việc từ 24 tháng hoặc 36 tháng hưởng BHXH một lần khi xây dựng dự án Luật BHXH (sửa đổi)), phù hợp với tỷ lệ lao động trong khu vực chính thức và sự phát triển của thị trường lao động, giảm dần số người không có lương hưu khi về già (năm 2014, ngân sách phải chi hơn 3.000 tỷ đồng cho khoảng 1,5 triệu người 80 tuổi trở lên không có lương hưu).

Ngoài ra, Ủy ban về các vấn đề xã hội cũng đề nghị  các cơ quan quản lý nhà nước, công đoàn, cơ quan BHXH các cấp, các cơ quan thông tin đại chúng, các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm chính sách, pháp luật BHXH, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng thu gom Sổ BHXH của người lao động gặp khó khăn để lấy tiền BHXH một lần.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.