Xử lý tình trạng "bỏ cọc" cách nào?
Sáng 14/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đấu giá tài sản.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án luật, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (UBKT) Nguyễn Minh Sơn cho biết, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác, là không phù hợp, vì các tài sản đặc thù thường có giá trị rất lớn.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn |
Quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước được đưa ra là từ 5 – 20%, quy định này phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị nên hoàn thiện khái niệm Cổng đấu giá tài sản quốc gia trong dự thảo Luật. Đồng thời bổ sung trách nhiệm Bộ Tư pháp không chỉ xây dựng, quản lý và hướng dẫn sử dụng Cổng Đấu giá quốc gia, tài sản quốc gia mà cần có quy định để đáp ứng yêu cầu về lưu trữ, bảo mật thông tin. Nghiên cứu để bổ sung dịch vụ công trực tuyến có thu phí có liên quan đến đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Tư pháp như phí thuê Cổng thông tin đấu giá tài sản quốc gia và (hoặc) trang thông tin đấu giá để tổ chức đấu giá trực tuyến.
Theo cơ quan thẩm tra, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng.
Bên cạnh đó, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá "bỏ cọc" phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu tăng mức tiền đặt trước khi người tham gia đấu giá tài sản trả giá cao bất thường trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản.
Đề nghị luật hoá đấu giá biển số xe ô tô
Tại phiên thảo luận, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thực tế có thể có một số vướng mắc, bất cập xảy ra liên quan đến thông tin về tài sản và công bố thông tin.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường tại phiên họp |
Cụ thể, theo dự thảo, mỗi tài sản phải ghi rõ tên người có tài sản đấu giá, thông tin về tài sản đấu giá. Song thông tin tài sản đấu giá về bất động sản thường không đảm bảo tính tường minh, nhiều cơ quan tổ chức đấu giá ghi thông tin tài sản là bất động sản nhưng không ghi tên số nhà, đường phố, mà chỉ ghi lô đất, bản đồ, dẫn đến khó khăn trong theo dõi, quản lý, xác định.
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị cần quy định ghi thông tin tài sản theo đường phố để dễ theo dõi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thì đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tài sản đấu giá để đảm bảo bao quát hết các loại tài sản thực hiện đấu giá, tránh vướng mắc trong thực tiễn, hoàn thiện các quy định về hành vi bị cấm, các chế tài, tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước để khắc phục được thao túng các cuộc đấu giá nhằm trục lợi. Ông cũng đề nghị rà soát các quy định về giá khởi điểm, giám định tài sản để đảm bảo không chồng lấn với các luật chuyên ngành.
Liên quan đến vấn đề thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, thời gian thí điểm đấu giá biển số xe ô tô mới 1 năm, chưa đủ điều kiện để đánh giá, tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đã đưa nội dung đấu giá biển số xe ô tô với những giải trình, như đã đủ điều kiện để luật hóa Nghị quyết 73.
Báo cáo bổ sung của Chính phủ cho biết, trong 5 tháng triển khai thực hiện đấu giá biển số xe ô tô rất thành công, đã đấu giá 14.062 biển số và được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Lần này, qua thảo luận, đề xuất của đại biểu Quốc hội, Chính phủ thấy rằng, cần phải luật hóa vấn đề này, đồng thời mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là cần thiết.
"Chính phủ cũng cho rằng, nếu không kịp thời đưa vào mà chờ hết thời gian thí điểm, tiến hành tổng kết thì lúc đó sẽ gây tốn kém, lãng phí thời gian”, ông Phương nêu.