Kiến nghị cơ chế riêng mời tư nhân đầu tư sân bay quân sự Thành Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hiện chưa có quy định về sử dụng hạ tầng sân bay quân sự để kêu gọi đầu tư xã hội hoá nhằm khai thác dân dụng, nên UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng có cơ chế riêng xử lý vấn đề này.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về tình hình đầu tư xây dựng, các tồn tại vướng mắc và kiến nghị tháo gỡ để thúc đẩy phát triển địa phương.

Trong phần kiến nghị, tỉnh Ninh Thuận đã đề xuất một số nội dung liên quan chủ trương chuyển đổi và kêu gọi đầu tư xã hội hoá vào sân bay quân sự Thành Sơn để khai thác lưỡng dụng kết hợp với dân sự, thương mại.

Để sớm đầu tư đưa sân bay quân sự Thành Sơn (Phan Rang - Tháp Chàm) vào khai thác lưỡng dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Bộ GTVT: Thống nhất bổ sung sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không khai thác lưỡng dụng vào Quy hoạch Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Bộ GTVT đang xây dựng - PV); trong quy hoạch cũng định hướng giai đoạn năm 2030 đến 2050 phát triển sân bay Thành Sơn thành cảng hàng không quốc tế, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.

Địa phương này cũng kiến nghị Bộ GTVT tham mưu Chính phủ có cơ chế riêng về khai thác hạ tầng dùng chung (đường cất - hạ cánh) trong khai thác lưỡng dụng quân sự và dân sự, như sân bay Thành Sơn. Do quy định hiện hành chưa có nội dung về sử dụng tài sản công trong hợp tác công - tư khai thác lưỡng dụng hạ tầng sân bay lưỡng dụng.

Kiến nghị cơ chế riêng mời tư nhân đầu tư sân bay quân sự Thành Sơn ảnh 1

Sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) hiện chỉ phục vụ quân sự, nên địa phương muốn được đưa vào quy hoạch để có thể kết hợp khai thác dân sự trong tương lai (ảnh: TĐ).

Ninh Thuận cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận giao địa phương làm cơ quan có thẩm quyền lập Đề án phát triển sân bay Thành Sơn; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn theo hình thức hợp tác công - tư và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sân bay quân sự Thành Sơn nằm ngay trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh, với diện tích rộng, cơ sở hạ tầng sẵn có, cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn hạ tầng phục vụ khai thác hàng không dân dụng.

Sân bay Thành Sơn khi đưa vào khai thác hàng không thương mại sẽ tạo bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông của Ninh Thuận, thuận lợi cho đi lại của nhân dân địa phương và các tỉnh lân cận, cũng như nhà đầu tư, khách du lịch đi/đến địa phương. Qua đó tạo động lực để phát triển các ngành kinh tế khác, như thương mại, dịch vụ, du lịch, logictis, đô thị, củng cố quốc phòng - an ninh…

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2022, làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thống nhất về nguyên tắc chuyển đổi sân bay quân sự Thành Sơn để khai thác lưỡng dụng, kết hợp giữa quân sự và dân sự.

Tháng 11/2022, Tổ Công tác của Thủ tướng đã khảo sát thực địa sân bay Thành Sơn. Các thành viên tổ công tác đều đánh giá sân bay Thành Sơn đảm bảo các điều kiện để khai thác dùng chung quân sự và dân sự; ủng hộ chủ trương báo cáo Thủ tướng cho phép tận dụng các nguồn lực về đất đai, hạ tầng khu bay, khả năng kết nối giao thông tốt với sân bay để nghiên cứu đầu tư, khai thác lưỡng dụng sân bay này.

Cục Hàng không Việt Nam cũng kiến nghị Bộ GTVT trình Thủ tướng bổ sung sân bay Thành Sơn khai thác lưỡng dụng vào Quy hoạch Cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050.

Tháng 2 vừa qua, sau khi làm việc với địa phương, Bộ GTVT đã có báo cáo gửi Tổ công tác của Chính phủ về nghiên cứu, đánh giá tổng thể khả năng khai thác hàng không dân dụng tại một số sân bay quân sự và xã hội hoá đầu tư sân bay. Tại báo cáo này, trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT kiến nghị Tổ công tác xem xét, báo cáo Thủ tướng đưa sân bay quân sự Thành Sơn này vào quy hoạch cảng hàng không, sân bay, nhưng địa phương tự huy động vốn xã hội hoá để đầu tư.

Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức lập Đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, khả năng thực hiện theo hình thức đối tác công - tư; giao địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Trên cơ sở nghiên cứu đó để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Bộ GTVT đánh giá, sân bay Thành Sơn rộng khoảng 2.187ha, là sân bay quân sự cấp 1; có 2 đường cất/hạ cánh, mỗi đường băng rộng 45m, dài hơn 3km (trong đó 1 đường cất/hạ cánh bằng bê tông xi măng, đường còn lại bằng đất); có 3 vị trí đỗ máy bay; diện tích bảo đảm triển khai các công trình hàng không dân dụng.

Tuy nhiên, sân bay Thành Sơn xây dựng từ năm 1960, để khai thác dân dụng cần cải tạo, nâng cấp các hạ tầng liên quan, thêm hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát; làm thêm đường lăn; đầu tư hệ thống giao thông kết nối… Ước sơ bộ tổng kinh phí đầu tư để khai thác dân dụng tại sân bay Thành Sơn khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG