UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo đề xuất quy hoạch sân bay thứ 2 Thủ đô Hà Nội trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo văn bản này, ngày 4/5/2023, Bộ GTVT có tờ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có nội dung định hướng quy hoạch các cảng hàng không trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sân bay Nội Bài. Ảnh: Như Ý. |
Theo đó, dự kiến Cảng hàng không Nội Bài là cảng hàng không quốc tế, cấp hàng 4F, công suất đến năm 2030 là 60 triệu hành khách/năm, diện tích đất khoảng 1500 ha. Đến năm 2050 là 100 triệu hành khách/năm, diện tích đất khoảng 2230 ha.
Cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội sẽ là cảng hàng không quốc nội, dự kiến quy hoạch tại vị trí phía Đông Nam thành phố Hà Nội, sẽ được nghiên cứu ở giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050. Tại đồ án không xác định các chỉ tiêu về quy mô, cấp hạng, công suất, diện tích đất quy hoạch của cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội.
Văn bản của UBND thành phố cho biết, sau khi nghiên cứu định hướng quy hoạch, UBND thành phố báo cáo Thủ tướng và Bộ GTVT, nêu rõ, theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, trong nội dung thuyết minh đồ án có định hướng nghiên cứu sân bay quốc tế thứ 2 dự phòng cho tương lai để đáp ứng nhu cầu vận tải, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu, tạo động lực phát triển cân đối trong vùng. Các vị trí dự kiến nghiên cứu tại đồ án gồm: khu vực tỉnh Hà Nam (tại huyện Lý Nhân); khu vực phía nam Hà Nội (tại huyện Ứng Hoà); tại khu vực tỉnh Hải Dương (huyện Thanh Miện, Bình Giang); khu vực thành phố Hải Phòng (huyện Tiên Lãng).
UBND thành phố Hà Nội cũng viện dẫn Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, xác định “nghiên cứu, xây dựng thêm một sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc”; Nghị quyết 81 của Quốc hội, xác định “xây dựng cảng hàng không thứ 2 cho vùng Thủ đô”; Nghị quyết số 12 của Chính phủ, xác định nhiệm vụ “nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch Cảng hàng không quốc tế thứ hai đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc”.
“Trên cơ sở định hướng quy hoạch được duyệt nêu trên, quá trình tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND thành phố đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu bổ sung quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ 2 có quy mô phù hợp, nâng tổng công suất toàn Thủ đô đạt 130 – 150 triệu hành khách/năm đến năm 2050 để đáp ứng dự báo, nhu cầu, định hướng vận tải hàng không Thủ đô và vùng Thủ đô.
Tuy nhiên, tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ chỉ xác định cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc nội”, văn bản nêu.
Theo UBND thành phố Hà Nội, tại đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Bộ GTVT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt đã định hướng quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế cho vùng TP HCM (gồm Tân Sơn Nhất và Long Thành) với tổng công suất khoảng 150 triệu hành khách/năm). Như vậy, đối với vùng Thủ đô cũng cần thiết quy hoạch 2 cảng hàng không quốc tế đáp ứng nhu cầu vận tải tương ứng, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, dự phòng quỹ đất cũng như phân bổ nhu cầu vận tải, tạo động lực phát triển cân đối trên địa bàn Thủ đô.
“Căn cứ chủ trương của T.Ư về định hướng quy hoạch cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội, định hướng quy hoạch vùng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thành phố Hà Nội kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT điều chỉnh, xác định tính chất, chức năng cảng hàng không thứ 2 Thủ đô Hà Nội là cảng hàng không quốc tế. Đồng thời kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xác định vị trí và các chỉ tiêu quy hoạch cảng hàng không quốc tế thứ hai làm cơ sở để UBND thành phố Hà Nội cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đang triển khai đảm bảo thống nhất”, thành phố Hà Nội đề nghị.