Chỉ thêm 1 sân bay
Đề xuất đưa vào quy hoạch sân bay trên đảo Lý Sơn của UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng, đảo Lý Sơn không quá nổi bật về thu hút du lịch như đảo Phú Quốc, Côn Đảo để đầu tư sân bay. Địa phương lại cho rằng, sân bay trên đảo Lý Sơn là cần thiết, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đây còn là đảo tiền tiêu, đặc biệt quan trọng với an ninh quốc phòng.
Với quy hoạch cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không vừa trình Bộ GTVT báo cáo thẩm định, để bộ báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Cơ quan này đề xuất, tới năm 2030, giữ số lượng sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt tại quy hoạch năm 2018 (tổng 28 sân bay). Trong đó, các sân bay đầu tư mới gồm: Nà Sản (Sơn La), Lai Châu, Sapa (Lào Cai), Quảng Trị, Phan Thiết.
Tới năm 2050, Cục Hàng không chỉ bổ sung sân bay Cao Bằng (cả nước 29 sân bay), xây dựng sân bay Tiên Lãng thay thế sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và định hướng thành sân bay thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội. Với quy hoạch này, hàng loạt đề xuất sân bay của địa phương đã bị Cục Hàng không loại, như đề xuất sân bay thứ 2 vùng Thủ đô tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội); đề xuất sân bay của: Hà Giang, Bắc Giang, Ninh Bình, Bình Phước, Hà Tĩnh...
Cục Hàng không cũng định hướng, giai đoạn 10 năm tới sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp sân bay cửa ngõ lớn, như xong giai đoạn 1 sân bay Long Thành; hoàn thành mở rộng sân bay Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất (TPHCM); đầu tư một số sân bay vùng sâu, hải đảo để vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm quốc phòng an ninh. Đồng thời, nhà nước sẽ hoàn thiện quy định pháp luật để huy động nguồn lực xã hội đầu tư sân bay, trong đó có hình thức cho thuê, nhượng quyền khai thác sân bay.
Quy hoạch trên nhiều yếu tố
Trao đổi với Tiền Phong, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Anh Dũng cho rằng: mỗi sân bay trong quy hoạch đều tính toán trên nhiều yếu tố, từ nhu cầu đi lại, khoảng cách, mạng đường bay trên không, chi phí đầu tư... Hiện sân bay lượng khách dưới 2 triệu/năm đều phải bù lỗ, nên dù đầu tư ngân sách hay tư nhân đều phải tính tới hiệu quả, không lãng phí nguồn lực xã hội.
“Định hướng đầu tư sân bay thời gian tới sẽ giảm phụ thuộc vào ngân sách trung ương. Các sân bay đầu tư mới trong tương lai, như Sa Pa, Phan Thiết, Lai Châu, Quảng Trị... sẽ kêu gọi hợp tác công - tư, với sự tham gia của ngân sách địa phương, địa phương muốn có sân bay phải tự tìm nhà đầu tư. Còn sân bay hiện hữu, nếu ít yếu tố quốc phòng an ninh có thể nhượng quyền khai thác cho doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Về quy hoạch sân bay nhỏ phục vụ chuyên dùng, bay du lịch, thuê chuyến... ông Dũng cho hay, theo Luật Hàng không 2014, trách nhiệm này thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ GTVT chỉ quy hoạch cảng hàng không thương mại, sân bay cửa ngõ. Sân bay phục vụ hàng không chung địa phương và Bộ Quốc phòng xét từng dự án, không nhất thiết phải đưa vào quy hoạch.
Hiện cả nước có 22 sân bay, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý khai thác 21 sân bay (trừ sân bay Vân Ðồn, Quảng Ninh). Trong đó có 9 sân bay quốc tế và 13 sân bay nội địa.
Ông Đặng Huy Đông, Chủ tịch Viện Nghiên cứu quy hoạch và phát triển (nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT) cho rằng: Các địa phương đồng loạt xin bổ sung sân bay vào quy hoạch cũng dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc lựa chọn quy hoạch cần trên cơ sở khoa học, khả thi. Đặc biệt, có thể bổ sung quy hoạch một số sân bay mới, có vị trí quan trọng cả kinh tế và quốc phòng, nhưng cần rõ quan điểm không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Địa phương đề xuất lên phải tự tìm nhà đầu tư và đối ứng bằng ngân sách tự có.
“Tư nhân họ tự biết tính toán để đầu tư có hiệu quả, chúng ta không lo sợ điều đó. Tuy nhiên, cần nêu rõ điều kiện đầu tư, dòng vốn, thời gian triển khai, số tiền đặt cọc... nếu không đạt sẽ thu hồi, tránh quy hoạch treo ảnh hưởng người dân. Kiên quyết không sử dụng ngân sách trung ương, tránh tình trạng khi xin thì nói sẽ kêu gọi vốn tư nhân, nhưng khi triển khai lại xin ngân sách trung ương hỗ trợ”, ông Đông nói.
Theo vị chuyên gia này, cơ quan thẩm định quy hoạch cũng cần bản lĩnh, đủ lập luận khoa học để không phải địa phương cứ “xin” là “cho”. Ông Đông đề xuất, các dự án đưa vào quy hoạch cần công bố rộng rãi, với danh mục dự án nào kêu gọi đầu tư xã hội, phương thức đầu tư, để nhà đầu tư lựa chọn. Sau thời gian nhất định, 5 hoặc 10 năm, nếu không có nhà đầu tư quan tâm, sẽ loại dự án đó khỏi quy hoạch.