Kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp vì nhu cầu trong nước ít

TPO - Các tỉnh tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) kiến nghị Chính phủ cho phép xuất khẩu (XK) gạo nếp vì lượng tồn kho lớn trong khi nhu cầu tiêu dùng nội địa không nhiều. Bộ Tài chính cũng kiến nghị tiếp tục cho XK gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm; tạm dừng XK gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020. 

Theo UBND tỉnh Long An, Bộ Công Thương đã báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho XK gạo lại, trước tiên là 400.000 tấn trong tháng 4/2020. Tuy nhiên, Bộ Công Thương chưa đề xuất cho XK mặt hàng gạo nếp với cơ chế đặc biệt, không giới hạn số lượng. 

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương ngày 26/3 vừa qua, tỉnh Long An và nhiều tỉnh thành khác cũng đã kiến nghị cho XK nếp vì mặt hàng này trong nước sản xuất nhiều (nhất là Long An và An Giang) nhưng nhu cầu tiêu dùng trong nước rất ít.

Tại Long An, diện tích trồng nếp chiếm khoảng 30-32% (riêng vụ Đông Xuân 2019-2020 có khoảng 65.000ha). Các hợp đồng đã ký kết chưa giao hàng từ nay đến cuối năm 2020 của các doanh nghiệp (DN) XK gạo của Long An hơn 204.000 tấn gạo, trong đó thị trường Trung Quốc là hơn 44.000 tấn (chủ yếu là nếp), tồn kho nếp của các DN hiện gần 56.000 tấn.

UBND tỉnh Long An đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho XK lại mặt hàng nếp có mã HS 1006.30, không hạn chế số lượng, nhằm giải quyết lượng tồn kho, giúp DN tiếp tục thu mua trong dân với giá tốt hơn.

Kiến nghị cho xuất khẩu gạo nếp vì nhu cầu trong nước ít ảnh 1 Các địa phương kiến nghị cho xuất khẩu gạo nhằm giúp doanh nghiệp thu mua lúa trong dân với giá tốt hơn. Ảnh: Cảnh Kỳ 

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cũng vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị xem xét hỗ trợ tiêu thụ lúa gạo cho nông dân và DN trên địa bàn, đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương trong điều kiện dịch bệnh COVID-19.

Trong đó, kiến nghị được ưu tiên XK nếp và các giống lúa Japonica (hạt tròn) vì mục tiêu sản xuất hai loại này chủ yếu là để XK. Tỉnh này có diện tích gieo trồng nếp hàng năm khoảng 115.000ha (tương đương 747.500 tấn nếp chưa bóc vỏ) và khoảng 10.000ha lúa Japonica (hạt tròn) sản lượng 75.000 tấn lúa/năm.

Tỉnh An Giang cũng kiến nghị cho phép DN tiếp tục XK gạo, trong đó ưu tiên cho XK sớm số lượng gạo đã và đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số gạo đã ký hợp đồng đến hết năm 2020, nhằm giúp các DN hạn chế thiệt hại do vi phạm hợp đồng và giữ ổn định được giá lúa trên thị trường.

Cụ thể, đến hết tháng 4/2020 toàn tỉnh có gần 48.500 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký, tương đương trên 23,6 triệu USD của 16/18 DN. Nếu tạm dừng đến hết tháng 5/2020 thì tiếp tục có khoảng 33.800 tấn gạo không xuất được, khi đó toàn tỉnh sẽ có 82.275 tấn gạo không giao hàng theo hợp đồng đã ký. Trong khi năm 2020 An Giang sẽ sản xuất 4 triệu tấn lúa, quy ra khoảng 2 triệu tấn gạo, tỉnh này kiến nghị Chính phủ căn cứ vào yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, có chủ trương cho XK phù hợp.       

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án điều hành XK gạo, Bộ Tài chính cũng kiến nghị tiếp tục cho XK gạo đối với gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ và gạo thơm; đồng thời tạm dừng XK loại gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 21/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch giao chỉ tiêu dự trữ quốc gia năm 2020… 

Theo các DN tại ĐBSCL, Chính phủ nên kiểm soát bằng cách cho XK một lượng hạn chế (nhất là với các hợp đồng không thể dừng), không cho xuất đại trà nữa. Cụ thể, có thể hạn chế bằng cách không cho từng DN mở tờ khai tự xuất mà Bộ Công Thương sẽ cấp quota cho từng đơn hàng và phải trực tiếp kiểm soát chứ không giao cho một đơn vị khác. Hạn chế XK chứ không nên dừng hẳn, một mặt vừa có thể đảm bảo an ninh lương thực, mặt khác đảm bảo cho các DN hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng nhiều.

MỚI - NÓNG