Kiến nghị bỏ hình phạt tử hình với 17 tội danh

Kiến nghị bỏ hình phạt tử hình với 17 tội danh
TP- Điểm đáng chú ý nhất của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) trình Quốc hội chiều qua (3/11) là hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.

Chính phủ đề nghị hình phạt này chỉ áp dụng đối với một số ít các tội đặc biệt nghiêm trọng, được thực hiện một cách dã man, tàn bạo, mất nhân tính, hoặc việc phạm tội là mối đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Có 17 điều dự thảo Luật đề xuất bỏ hình phạt tử hình: tội hiếp dâm (Điều 111); tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139); tội buôn lậu (Điều 153); tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 157);

tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả (Điều 180); tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 197); tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy (Điều 221); tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231); tội tham ô tài sản (Điều 278); tội nhận hối lộ (Điều 279); tội đưa hối lộ (Điều 289);

tội chống mệnh lệnh (Điều 316); tội đầu hàng địch (Điều 322); tội phá hoại vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (Điều 334); tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 341); tội chống loài người (Điều 342) và tội phạm chiến tranh (Điều 343).

Như vậy, so với quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành thì dự thảo Luật dự kiến bỏ hình phạt tử hình tại 17/29 điều luật, chiếm tỷ lệ khoảng 58,6%.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường - Người thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự luật - cho biết: Việc bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phạm quy định tại 17 điều luật nói trên, số án tử hình cũng sẽ không giảm đáng kể. Án tử hình hiện chủ yếu tập trung vào một số tội phạm vẫn còn giữ hình phạt này như tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 BLHS).

Dự thảo Luật cũng đề xuất sửa đổi theo hướng tách riêng tội tàng trữ, vận chuyển trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194a) và bỏ hình phạt tử hình đối với tội này. Chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (Điều 194).

Quy định này hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình, đồng thời góp phần cá thể hóa các đối tượng phạm tội, để bảo đảm chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những người phạm tội đến mức đáng phải chịu như vậy.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo Thẩm tra, cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban này cho rằng không nên loại bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh “Tham ô tài sản” và “Tội nhận hối lộ”. Ủy ban này nhận định, tham nhũng được coi là quốc nạn, diễn ra nghiêm trọng, phức tạp.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh: “Việc tiếp tục duy trì và áp dụng hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này là cần thiết, thể hiện được ý chí, nguyên vọng của nhân dân trong việc xử lý nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với bộ máy Nhà nước”.

Bổ sung 3 tội về môi trường

Dự luật đề nghị bổ sung 3 tội mới về môi trường: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại; tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường; tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

Cũng theo dự thảo Luật sửa đổi, đối với người chưa thành niên phạm tội, chỉ áp dụng biện pháp tạm giam, tạm giữ khi không còn biện pháp thích hợp nào khác.

Tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị phi hình sự hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 199 của BLHS), coi người nghiện ma túy như bệnh nhân; phi hình sự hóa hành vi ở lại nước ngoài trái phép; đề nghị nâng mức định lượng tối thiểu về trị giá tiền, tài sản hoặc trị giá mức thiệt hại để truy cứu trách nhiệm hình sự trong cấu thành của một số tội phạm (BLHS hiện hành quy định quá thấp) như các tội chiếm đoạt tài sản, liên quan đến tài sản từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng, hoặc từ 1 triệu đồng lên 4 triệu đồng (với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản).

Chủ tịch xã được dân bầu trực tiếp

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình Quốc hội Đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã. Việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại 10 tỉnh, thành phố, với 69 huyện, 32 quận và 483 phường; và thí điểm dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã tại 385 xã thuộc 39 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư.

Đây là việc hoàn toàn mới, nên cần tiến hành thí điểm, kết quả thí điểm sẽ là cơ sở thực tiễn để thực hiện chính thức, trước khi sửa đổi quy định này trong Hiến pháp và các văn bản Luật liên quan. Nếu đạt được sự nhất trí cao, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết để thí điểm từ đầu năm 2009.

Theo Đề án, người ứng cử Chủ tịch UBND xã phải ở độ tuổi từ 21 - 50; có trình độ đại học trở lên (tại đô thị) hoặc trung cấp chuyên môn trở lên (tại khu vực nông thôn) và một số tiêu chuẩn quy định.

MỚI - NÓNG