Mới đây trên các diễn đàn Phượt chia sẻ hình ảnh một nhóm bạn trẻ đã sửa mốc quốc giới từ 423 thành 428 để... chụp ảnh. Cả hai mốc quốc giới này đều thuộc xã Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và thuộc quản lý của Đồn biên phòng Lũng Cú.
Tuy nhiên, cột mốc 428 có chóp nhọn, nằm gần sông Nho Quế - biên giới tự nhiên giữa Việt Nam – Trung Quốc tại địa phận Lũng Cú. Mốc 423 có chóp bằng nằm ngay ven đường tỉnh lộ từ Đồng Văn vào cột cờ Lũng Cú, Hà Giang.
Cột mốc số 428 có chóp nhọn, khác chóp bằng của cột mốc 423.
Đường để vào cột mốc 428 rất khó, gần như không thể di chuyển bằng xe máy. Có lẽ vì vậy nhóm bạn trẻ đã sửa số 423 thành 428 để chứng minh họ đã tới đó. Hành động thiếu hiểu biết này bị dân mạng lên án.
Trao đổi với PV, thượng tá Phạm Ngọc Thủy, Chính trị viên Đồn biên phòng Lũng Cú cho biết đã nhận thông tin và lập tức cho bộ đội đi kiểm tra thì phát hiện cột mốc số 423 vẫn nguyên trạng, không bị xê dịch hay tô vẽ.
Cột mốc này được làm bằng đá hoa cương rất trơn, các con số được khắc chìm chắc chắn. Về bức ảnh, ông Thủy cho rằng có thể các bạn trẻ đi phượt đã dùng son môi hoặc vật liệu khác tô vẽ số “3” thành số “8” sau đó đã lau đi.
Cũng theo thượng tá Thủy, dân phượt thường thích chụp ảnh với cột mốc, việc này không thể cấm vì họ di chuyển trong lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, khi đi lên khu vực biên giới cần đi dưới sự giám sát của bộ đội biên phòng theo Nghị định 34/2014 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới đất liền nước CHXHCN Việt Nam.
Cụ thể, Điều 6 của nghị định quy định: “Công dân Việt Nam vào khu vực biên giới đất liền phải có Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân khác theo quy định của pháp luật”.
Nhóm bạn sửa mốc quốc giới ở Hà Giang để sống ảo có thể bị phạt bởi theo Điều 14: Luật Biên giới quốc gia quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm:
1. Xê dịch, phá hoại mốc quốc giới; làm sai lệch, chệch hướng đi của đường biên giới quốc gia; làm đổi dòng chảy tự nhiên của sông, suối biên giới; gây hư hại mốc quốc giới;
2. Phá hoại an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xâm canh, xâm cư ở khu vực biên giới; phá hoại công trình biên giới;
3. Làm cạn kiệt nguồn nước, gây ngập úng, gây ô nhiễm môi trường, xâm phạm tài nguyên thiên nhiên và lợi ích quốc gia;
4. Qua lại trái phép biên giới quốc gia; buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ, vũ khí, ma tuý, chất nguy hiểm về cháy, nổ qua biên giới quốc gia; vận chuyển qua biên giới quốc gia văn hoá phẩm độc hại và các loại hàng hoá khác mà Nhà nước cấm nhập khẩu, xuất khẩu;
5. Bay vào khu vực cấm bay; bắn, phóng, thả, đưa qua biên giới quốc gia trên không phương tiện bay, vật thể, các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khoẻ của nhân dân, môi trường, an toàn hàng không và trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới;
6. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về biên giới quốc gia.