Bốn tư lệnh ngành được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp thứ ba |
Đối với lĩnh vực NN&PTNT: Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, lấy người nông dân là chủ thể và trung tâm. Bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ, làm giàu đất đai, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Nghị quyết cũng yêu cầu tổ chức quản lý, nâng cao hiệu quả và phát huy vai trò của hệ thống thương nhân tại cơ sở, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên trong tham gia chuỗi giá trị về nông sản. Củng cố, tổ chức lại hệ thống cung ứng và phân phối sản phẩm nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử. Nâng cao năng lực chế biến, bảo quản nông sản, tăng cường chế biến sâu.
Đồng thời, cần nâng cao năng lực dự báo, xác định nhu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất hàng hóa theo nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh và nhóm sản phẩm chủ lực địa phương - OCOP; phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên…
Đối với lĩnh vực tài chính: Tăng cường thực hiện các giải pháp kiểm soát lạm phát; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân tích, dự báo, theo dõi sát tình hình kinh tế, chính trị, diễn biến lạm phát, giá cả các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào và các vật tư chiến lược.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; có giải pháp hỗ trợ người có thu nhập thấp, người yếu thế khi giá cả mặt hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu và giá sách giáo khoa.
Quốc hội yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định về mua sắm tập trung, đấu thầu mua sắm công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công. Các Bộ, ngành, địa phương ban hành đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và mức giá dự toán của tài sản thuộc danh mục mua sắm tập trung, vừa bảo đảm tiết kiệm ngân sách, vừa bảo đảm mua sắm được các vật tư, dịch vụ thiết yếu liên quan đến đời sống người dân về y tế, giáo dục, an sinh xã hội.
Nghị quyết cũng lưu ý tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của pháp luật trong mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, tổ chức cơ cấu lại toàn diện thị trường vốn, thị trường chứng khoán theo Đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, bảo đảm thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, an toàn, bền vững, thực sự là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Khẩn trương hoàn thiện pháp luật về chính sách thuế, mở rộng nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế…
Đối với lĩnh vực ngân hàng: Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng kịp thời với diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.
Tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý và tổ chức thực hiện có hiệu quả về chính sách tiền tệ, ngoại hối, hoạt động kinh doanh vàng và hoạt động ngân hàng; triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025; tập trung xây dựng, phê duyệt, triển khai các Đề án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, đến năm 2025, xử lý cơ bản các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt không để phát sinh ngân hàng yếu kém mới.
Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu để áp dụng khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành.
“Rà soát, sửa đổi các quy định về việc các tổ chức tín dụng chào bán, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, hạn chế rủi ro”, Nghị quyết nêu rõ.
Đối với lĩnh vực GTVT: Đẩy nhanh việc phê duyệt và triển khai các dự án giao thông theo đúng yêu cầu trong các nghị quyết của Quốc hội để giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, dự án kết nối vùng; kiểm soát chặt chẽ nội dung, thời gian, phương thức áp dụng các cơ chế đặc biệt, bảo đảm chất lượng, tiến độ thực hiện dự án.
Quốc hội yêu cầu quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong từng khâu, từng công việc, từng vị trí tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực để chủ động phòng ngừa; tăng cường thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất các dự án trọng điểm trong quá trình triển khai.
Về các dự án BOT, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về hình thức thu phí không dừng cho phù hợp với thực tiễn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ doanh thu, thu phí của các dự án BOT, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.
“Trong năm 2022, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí, dự án BOT, hoàn thành triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng và hệ thống kiểm soát doanh thu, thu phí đối với các trạm thu phí cho các dự án BOT trên cả nước”, Nghị quyết nêu rõ.