Công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen: Thống đốc ngân hàng trả lời chất vấn thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, các công ty tài chính không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa, và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h.
Công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen: Thống đốc ngân hàng trả lời chất vấn thế nào? ảnh 1

Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (ảnh Nhật Minh)

Gọi điện quấy rối, xúc phạm để đòi nợ

Chiều 8/6, chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, các đại biểu nêu ra hàng loạt những vấn đề như nóng như việc xử lý ngân hàng 0 đồng; lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản; gọi điện quấy rối để đòi nợ…

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) phản ánh tình trạng mạo danh người khác qua Facebook, Zalo để chuyển tiền qua tài khoản. “Có ý kiến cho rằng việc này xuất phát từ việc quản lý tài khoản ở ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản mà người sử dụng không phải chủ tài khoản, khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi lừa đảo nảy sinh. Đề nghị Thống đốc cho biết tình tình trạng trên”, ông Thịnh nêu câu hỏi.

Nội dung thứ hai được ông Thịnh nêu ra, là tình trạng người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa, nếu không may có tên trong danh bạ điện thoại của người vay tiền khi không trả nợ đúng hạn. “Với chức năng quản lý Nhà nước của mình, Thống đốc sẽ triển khai các biện pháp nào để hạn chế những hành vi vi phạm nêu trên?”, đại biểu Thịnh đặt câu hỏi.

Công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen: Thống đốc ngân hàng trả lời chất vấn thế nào? ảnh 2

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu câu hỏi chất vấn về việc gọi điện quấy rối, xúc phạm để đòi nợ

Trả lời nội dung trên, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết cá nhân khi mở tài khoản, đều phải xác thực định danh. Tuy nhiên, vừa qua có hiện tượng lừa đảo lấy cắp thông tin để lấy trộm tiền. Do đó, NHNN sẽ phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh, có giải pháp cảnh báo với người dân.

Đối với trường hợp đòi nợ của công ty tài chính, bà Hồng cho biết, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, NHNN đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật.

Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...

Xử lý ngân hàng 0 đồng, vì sao vẫn “dậm chân tại chỗ”

Cho rằng, việc xử lý ngân hàng 0 đồng vẫn “dậm chân tại chỗ”, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đề nghị cho biết, vì sao lại chậm trễ như vậy, giải pháp gì để đẩy nhanh quá trình này?

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong điều kiện đại dịch thì càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Chính phủ và sự phối hợp bộ ban ngành, NHNN đã chủ trì, có báo cáo trình các cấp có thẩm quyền, tích cực phối hợp triển khai với mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tạo sự yên tâm cho người gửi tiền.

Công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen: Thống đốc ngân hàng trả lời chất vấn thế nào? ảnh 3

ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Liên quan đến thị trường bất động sản đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng, siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn. Trong khi đó, mục đích của nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản.

Thực tế, theo ông Vân, có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Do đó, ông đề nghị Thống đốc NHNN cho biết giải pháp về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiều năm trở lại đây, NHNN có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Theo bà Hồng, bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.

MỚI - NÓNG