6 bệnh viện lớn sẵn sàng
Việc giám sát khách nhập cảnh thông qua sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa. Trường hợp tại cửa khẩu phát hiện hành khách có triệu chứng Ebola, cán bộ kiểm dịch sẽ đưa ngay vào khu cách ly để theo dõi.
Ông Phu cho biết Bộ Y tế đang phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các tổ chức quốc tế khác chủ động triển khai giám sát các tác nhân gây bệnh mới cũng như phân tích sự lưu hành của các tác nhân gây bệnh khác tại Việt Nam.
Cùng ngày, Bộ Y tế đã kích hoạt Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp (EOC) để có thể kết nối và hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp.
Đây là văn phòng được WHO và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) giúp đỡ thành lập, làm đầu mối tiếp nhận, tổng hợp, phân tích và chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh khẩn cấp từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cá nhân trong nước, phục vụ cho việc tổ chức phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp. Văn phòng này có các trách nhiệm tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế, phối hợp với các đơn vị liên quan huy động phòng chống dịch bệnh khẩn cấp.
Trước tình hình dịch do virus Ebola có thể xuất hiện tại Việt Nam, TS Phu cho rằng cần mua thêm hóa chất khử khuẩn để sử dụng cho nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân.
Cùng với đó ngành y tế có kế hoạch mua khẩn cấp 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân để phát cho những đối tượng nguy cơ cao khi làm nhiệm vụ. Tùy theo diễn biến giai đoạn của dịch, Bộ Y tế sẽ có chuẩn bị phù hợp.
Hiện đã có phương án đặt ra khi có trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, sẽ được chuyển về cơ sở cách ly có điều kiện tốt nhất để điều trị và kiểm soát ngay. Tại cộng đồng, người dân thực hiện cách ly tại nhà nếu chưa biểu hiện bệnh mà chỉ đi từ vùng dịch về. Khi có trường hợp nghi ngờ trước mắt sẽ được chuyển về cách ly tại những cơ sở có điều kiện tốt nhất.
Cụ thể, tại Hà Nội, bệnh nhân sẽ đưa vào thẳng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Tại miền Trung là vào Bệnh viện T.Ư Huế, Đà Nẵng; Khánh Hòa.
Miền Nam là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Bệnh viện Đa khoa T.Ư Cần Thơ.
Các trường hợp nghi ngờ được phát hiện tại cửa khẩu nào thì chuyển về khu điều trị cách ly tại bệnh viện đa khoa của tỉnh đó.
Bộ Y tế đã xây dựng Đề án tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, khống chế lây nhiễm trong các bệnh viện, tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến. Bộ Y tế yêu cầu tất cả nhân viên y tế phải ứng xử như thể đã có bệnh nhân.
Cùng vào cuộc
Bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó trưởng phòng Quan hệ lãnh sự, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho biết Bộ đã có công điện gửi đến cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước Nigeria, Maroc, Guinea, Siriea Leone thông báo tình hình dịch.
Đồng thời yêu cầu hướng dẫn công dân sinh sống tại các nước này phòng chống dịch; báo cáo số lượng người Việt Nam đang sinh sống tại đây. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo trong trường hợp diễn biến xấu có thể rút nhân viên ngoại giao về nước.
Đại diện Bộ VHTT&DL cho biết Bộ này xác định đây là dịch bệnh nguy hiểm nên đã có văn bản chỉ đạo các Sở Y tế và doanh nghiệp yêu cầu dừng đưa người đến các vùng dịch, quan tâm đến sức khỏe của khách du lịch và người lao động.
Theo Bộ VHTT&DL, lượng khách du lịch Việt Nam sang Tây Phi không có, chủ yếu là lao động. Khách du lịch từ Tây Phi vào Việt Nam cũng hầu như không có, chỉ có khách đi qua, như Thái Lan, đây được coi là nguy cơ lây lan vì thị trường du lịch Thái Lan đông đúc.
Phía Bộ LĐ-TB&XH cũng cho hay có văn bản yêu cầu không đưa lao động sang vùng có dịch, yêu cầu các doanh nghiệp nhắc nhở lao động trong vùng có dịch có biện pháp phòng ngừa, khi có dấu hiệu báo ngay với chủ sử dụng để có biện pháp phòng ngừa. Trong trường hợp khẩn cấp sẽ có chỉ đạo kịp thời theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Đại diện WHO đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có hành động kịp thời trong cuộc chiến chống dịch Ebola như xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, hướng dẫn các bộ, ban, ngành và có các hành động kịp thời. WHO và CDC (Mỹ) cam kết đồng hành cùng ngành y tế Việt Nam trong cuộc chiến phòng chống bệnh Ebola.