Những sự việc không vui diễn ra, càng khiến người ta có quyền miệt thị thơ như cái chợ, mà ở đó, người mua hiu hắt, người bán ồn ào với đủ chiêu trò. Chưa bao giờ độc giả yêu thơ được chứng kiến nhiều cuộc tranh nhau đứa con tinh thần như thời gian gần đây. Vừa qua cơn mê “Tổ quốc gọi tên” lại tới cơn bão mang tên “Bạch lộ”. Lần này bão mạnh đến nỗi, người trong cuộc dọa dùng “ngón đòn” chẳng lấy gì làm thơ: “Nếu T làm quá, tôi sẽ mời công an văn hóa vào cuộc”. Có người nói rằng: Nếu không có mấy vụ “đạo” thơ, bây giờ ai để ý đến thơ? Đành rằng, thơ ngày càng khan độc giả nhưng cái cách bị chú ý vì tai tiếng thật bẽ bàng cho thơ.
Thi ca Việt vốn chịu ảnh hưởng không nhỏ của những nền thơ ca rực rỡ của nhân loại… Lớp người đi trước không ngại công khai sự học hỏi, ảnh hưởng, vay mượn từ thành tựu thi ca nước ngoài. Chúng ta có quyền tự hào về Truyện Kiều, cũng như không có gì thẹn khi đọc câu thơ của Huy Cận: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” trong sự liên tưởng đến “Nhật mộ hương quan hà xứ thị/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu”. Cũng hoàn toàn thấy hợp lí khi Xuân Diệu viết “Yêu là chết ở trong lòng một ít” trên nền câu thơ Pháp “Đi là chết ở trong lòng một ít” v.v… Nhưng chưa bao giờ các nhà thơ lớn của ta trong quá khứ bị mang tiếng ô danh “thuổng” thơ. Ngày nay, hình như ít thấy thi sĩ nói đến sự ảnh hưởng trong sáng tạo nghệ thuật. Mỗi thi phẩm ra đời thường được quảng cáo là “dứt ruột đẻ ra”. Tiếc thay, những sáng tác được chủ nhân dán nhãn “độc quyền” lại om sòm vì nghi vấn “không độc quyền”.
Trong lịch sử thơ ca Việt Nam nói riêng, lịch sử thơ ca nhân loại nói chung, có không ít những bài thơ đặc sắc mà không ai chịu nhận là tác giả, thành ra một dòng thơ mang tên “thơ khuyết danh”. Người yêu thơ tình ở ta bao thế hệ vẫn đắm đuối với “Hai sắc hoa ti-gôn” song cái tên tác giả T.T.Kh vẫn là một bí ẩn. (Có lẽ cũng vì sự bí ẩn ấy mà bài thơ càng khiến độc giả say hơn?). Rõ ràng người viết T.T.Kh chỉ muốn gửi đi bức thông điệp của lòng mình và không màng đến sự nổi tiếng. Từ “Hai sắc hoa ti gôn” bỗng thấy thương cho những bài thơ “đạo”, có khi chưa kịp lăn vào cõi sống, đã nhanh chóng chết yểu vì tai tiếng bủa vây.