Phan Huyền Thư một tuần hai lần bị tố đạo thơ

TP - Hội Nhà văn Hà Nội sáng nay làm việc với Phan Huyền Thư, tác giả tập thơ “Sẹo độc lập” vừa đoạt giải của Hội, để quyết định có rút lại giải thưởng hay không.

Thủ giống thủ, xôi giống xôi

Trên facebook của Hà Quang Minh, một người làm báo viết văn ở TPHCM hôm 18/10 xuất hiện bài viết “Nếu im lặng, tôi là thằng hèn” tố cáo Phan Huyền Thư “đạo thơ trắng trợn”. Căn cứ tố cáo là bài thơ Bạch lộ in trong tập Sẹo độc lập- vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, đạo bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan (thường viết tắt PN Thường Đoan), nữ nhà thơ sống tại TPHCM.

Ông Minh cho biết ông lên tiếng không phải vì muốn Sẹo độc lập bị tước giải mà lên tiếng vì muốn hướng đến một nền văn nghệ công chính “có những tác phẩm độc lập thực sự, không trùng lặp, không vay mượn và không ăn cắp”.

Trên đời này “tư tưởng lớn” gặp nhau không phải hiếm nhưng một bài thơ có những câu liên tiếp trùng nhau, “luộc nguyên con” hoặc na ná nhau như trường hợp trên, thì lạ lùng.

Phan Huyền Thư một tuần hai lần bị tố đạo thơ ảnh 1

Phan Huyền Thư.

Những câu luộc nguyên con, nghĩa là giống từng chữ- bài này có câu này thì bài kia cũng thế, cắt dán của nhau, ví dụ như: “Những gương mặt người. Tiếng chim khua vỡ buổi sáng lạnh. Buổi sáng muốn gọi anh. Nụ hôn nửa vời. Trái tim không cửa...

Những câu chỉ khác một hai chữ: Quen và không quen/ Quen mà không quen. Em ngồi một mình/Em một mình. Ai hờ hững xéo lên lá cỏ/Bóng ai hờ hững xéo trên lá cỏ. Quàng nỗi nhớ chạy quanh chiếc bàn nhỏ. Bản giao hưởng đêm qua còn phảng phất trên phím dương cầm/Quàng nỗi nhớ lên gối chăn bỏ ngỏ. Bản Blues jazz đêm qua lẩn khuất phím dương cầm... (Vế đầu thuộc bài Buổi sáng, vế sau- Bạch lộ).  Hoặc bài này viết Nắng nói lời mê ngủ (Buổi sáng) thì bài kia chế thành Mây tái mặt thẫn thờ (Bạch lộ).

Về thời điểm ra đời, Buổi sáng của PN Thường Đoan viết năm 2000, đưa vào tập Đếm cát in năm 2003. Phú Quang phổ nhạc thành bài hát Catinat cà phê sáng rồi in đĩa năm 2001. Còn Bạch lộ của Phan Huyền Thư in trong tập Sẹo độc lập năm 2014. Nhạc sĩ Phú Quang cũng xác nhận trên báo như một nhân chứng, sau khi Thường Đoan lên tiếng về thời điểm in thơ của mình cùng hoàn cảnh ra đời của nó.

Mới tuần trước, Phan Huyền Thư bị tố đạo thơ Du Tử Lê, một nhà thơ hải ngoại. Câu thơ Du Tử Lê, cũng là tên bài thơ: Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển. Câu thơ Phan Huyền Thư: Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển (bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn, cũng nằm trong tập Sẹo độc lập). Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông Phạm Xuân Nguyên khẳng định trong một bài báo rằng Phan Huyền Thư không đạo thơ ai hết, rằng “biển là của chung mọi người”.

Phan Huyền Thư một tuần hai lần bị tố đạo thơ ảnh 2

Hai bài thơ giống nhau lạ lùng gây sốt mấy ngày qua.

Dậy sóng

Mấy ngày qua, trước dư luận so sánh câu thơ của mình và Du Tử Lê- giống nhau và đều dùng làm tư tưởng chủ đạo của một bài thơ, Phan Huyền Thư khẳng định không đạo thơ ai mà chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, chị chưa từng đọc bài thơ của Du Tử Lê bao giờ. Nhưng lại hứa từ nay sẽ in nghiêng câu thơ Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển, coi như trích dẫn! Như vậy, tác giả này đã mặc nhiên thừa nhận ý kiến của Lê Thiếu Nhơn, rằng bài thơ của Phan Huyền Thư chỉ là thơ phái sinh, lấy cảm hứng từ câu thơ của người khác để triển khai ý niệm của mình. 

Chủ nhân giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội 2015 lý luận đại ý: Quan trọng là Du Tử Lê có lên tiếng đòi công bằng không, nếu không thì có gì mà ầm ĩ. Người (cứ cho là) mất cắp không kêu ca thì thôi, hà cớ gì kẻ ngoài cuộc lại làm to chuyện? Có thông tin Phan Huyền Thư đã có lời nói khó với Du Tử Lê, mà kể cả không như vậy, chắc gì nhà thơ hải ngoại cao niên muốn sa vào cuộc ồn ào này.

Với vụ Bạch lộ- Buổi sáng, PN Thường Đoan thoạt đầu định giữ im lặng khi nghe cô trần tình và xin im lặng cho cô một thời gian: “Thư khóc nói chưa từng đọc Buổi sáng nhưng có nghe Catinat cà phê sáng của Phú Quang”.

Từ 18/10 Phan Huyền Thư đã đóng cửa facebook của mình nhưng lại lên tiếng ở facebook khác “Các anh đừng nặng lời với em quá. Em chỉ in sau chứ không viết sau ạ”.

Chính điều này khiến Thường Đoan phẫn nộ. Người ta có thể không nghĩ Du Tử Lê đạo thơ Phan Huyền Thư vì bài thơ nổi tiếng của ông làm từ năm 1977. Nhưng còn trong nước với nhau, phụ nữ với nhau, các điều kiện ngoại cảnh khác... Biết đâu đấy. Cho nên chị đã quyết định làm sáng tỏ mọi việc.

Giải thưởng thơ Hội Nhà văn Hà Nội mới chỉ trao chưa đầy một tuần đã dính chùm, vụ sau có vẻ dễ sáng tỏ hơn vụ trước. Dư luận đang thực sự nổi sóng về một vấn đề mà họ cho rằng nhức nhối từ lâu không chỉ trên thi đàn với các “thi tặc” (từ mới) mà cả trong văn xuôi, báo chí, đến lúc cần mổ xẻ tận gốc.

MỚI - NÓNG
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
Lốc xoáy làm lật thuyền, hai người mất tích
TPO - Vào tối 17/4, trên địa bàn huyện Sìn Hồ (Lai Châu), do ảnh hưởng của mưa lớn kèm gió lốc lật thuyền, hai người mất tích. Mưa lớn kèm gió lốc cũng gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng đến tài sản của Nhà nước và nhân dân.