Như đã thông tin, quận Hoàn Kiếm vừa chính thức mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm (thời gian vận hành thử từ ngày 25/12/2020; khai mạc ngày 31/12/2020) tại 8 phố Hàng Dầu, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Bạc, Đinh Liệt, Gia Ngư, Đào Duy Từ (đoạn từ Chợ Gạo đến Ô Quan Chưởng), Ô Quan Chưởng (gồm phố Ô Quan Chưởng và khu vực ngã tư Hàng Chiếu - Thanh Hà) và 3 ngõ Cầu Gỗ, Trung Yên, Phất Lộc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm đã chỉ đạo các phòng, ngành, đơn vị liên quan và UBND phường Hàng Bạc, Hàng Buồm, Đồng Xuân xây dựng các phương án tổ chức thực hiện đảm bảo các yêu cầu về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường; tổ chức hoạt động kinh doanh và hoạt động văn hóa nghệ thuật; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ; phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quy định...
“Sau 2 tuần thực hiện mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu Phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm bước đầu đã tạo thành một chỉnh thể đi bộ hoàn chỉnh, gắn kết giữa 2 không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đáp ứng được nhu cầu tham quan, thưởng thức văn hóa nghệ thuật, ẩm thực của du khách trong và ngoài nước, qua đó phát huy tiềm năng giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ Hà Nội, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; được nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao”, ông Quân cho biết.
Theo ông Quân, bên cạnh các kết quả đã đạt được vẫn còn một số tồn tại như vẫn còn hiện tượng đi xe máy trong tuyến phố đi bộ và để xe đạp, xe máy trên hè. Các chốt trực vòng ngoài có lúc còn để phương tiện không có tem dán vào trong khu vực không gian đi bộ mở rộng. Một số cửa hàng kinh doanh buôn bán đóng cửa sớm hoặc chưa mở cửa để kinh doanh.
Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho rằng, do mới triển khai, người dân chưa có thói quen phải gửi xe hoặc cất xe vào nhà trước 19h (các ngày thứ 6, thứ 7, Chủ nhật) khi không gian đi bộ bắt đầu hoạt động. Các lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt và trong không gian đi bộ chưa quyết liệt, thời gian đầu chủ yếu là nhắc nhở và tuyên truyền vận động người dân chấp hành. Do lượng du khách trong và ngoài nước đến không gian đi bộ còn vắng do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 do vậy nhiều cửa hàng chưa thực sự mặn mà kinh doanh.
Ông Quân cho biết, sẽ tiếp tục tổ chức thông tin tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và sự cần thiết của việc mở rộng không gian đi bộ để các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quận, nhất là nhân dân trong khu vực mở rộng không gian đi bộ được biết. Cùng với đó, quận cũng vận động các cửa hàng, các hộ kinh doanh, nhà dân tăng cường trang trí ánh sáng, thay thế mái che, mái vẩy, biển hiệu theo mẫu thống nhất nhằm đảm bảo mỹ quan khu vực phố đi bộ.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu bố trí một số xe chuyên dụng bán hàng ăn nhanh, nước uống... tại một số ngã ba, ngã tư phục vụ người dân và du khách; khuyến khích các hộ dân hai bên mặt phố mở cửa hàng kinh doanh phục vụ cho nhu cầu mua sắm của người dân và du khách. Tại một số khu vực hè phố có đủ điều kiện bố trí thêm các hộ kinh doanh trên hè, đối tượng ưu tiên là các hộ trong biển số nhà.
Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các điểm giao thông tĩnh hợp lý đảm bảo thuận tiện cho người dân và du khách khi gửi phương tiện vào không gian đi bộ. Tăng cường chiếu sáng tại các công trình di tích lịch sử, công trình có giá trị và Ô Quan Chưởng nhằm tạo điểm nhấn, hiệu ứng ánh sáng trong không không gian đi bộ. Duy trì các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách”, ông Quân nói đồng thời cho biết, quận cũng tổ chức lực lượng kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm TTĐT, TTATGT, VSMT, VSATTP; các trường hợp đi, để xe máy trên hè, lòng đường trong không gian đi bộ.
Về việc phát triển kinh tế đêm gắn với việc mở rộng không gian phố đi bộ, ông Quân cho biết, thực chất kinh tế đêm đã hình thành ở quận Hoàn Kiếm từ nhiều năm nay diễn ra dưới các loại hình như các không gian đi bộ, chợ đêm, các tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà và ngoài đường phố,… đạt được những thành công nhất định, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận.
Để củng cố hoạt động kinh tế đêm, khắc phục các hạn chế trên, UBND quận đã nghiên cứu, xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Tập trung khai thác tối đa các không gian động lực để phát triển kinh tế đêm trên địa bàn quận, gồm: Không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Các không gian đi bộ trong Khu phố cổ; Không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu; Tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ; Tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại; Tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống.