Theo báo New York Times (Mỹ), Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 13/3 gửi tới Nga thông điệp mạnh mẽ chưa từng có. Phát biểu trước Quốc hội, bà Merkel cảnh báo hoặc Nga phải từ bỏ thứ bà gọi là những chính sách của thế kỷ 19 và 20, hoặc đối mặt sự trừng phạt nặng nề sẽ “gây thiệt hại nghiêm trọng cho Nga về ngoại giao, chính trị và kinh tế”.
Ngày 14/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Anh, nhằm tìm cách tháo ngòi nổ khủng hoảng. Ông Kerry nói những biện pháp trừng phạt mạnh hơn sẽ được công bố ngày 17/3, nếu cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea vẫn diễn ra.
Một ngày sau khi phủ nhận thông tin Nga đã triển khai hơn 80.000 binh sĩ, 270 xe tăng và 140 máy bay chiến đấu sát biên giới Ukraine (theo cáo buộc của Ukraine), Bộ Quốc phòng Nga thông báo một loạt cuộc tập trận mới.
Kế hoạch diễn tập được mô tả như hoạt động tăng cường huấn luyện các đơn vị pháo binh, trực thăng tấn công với ít nhất 10.000 quân. Quân đội Nga tập trận đồng thời tại 3 khu vực ở phía đông và nam Ukraine gồm Belgorod, Kursk và Rostov. Đoàn xe tải chở quân và xe thiết giáp Nga, chỉ cách thành phố Kharkov 30 dặm.
Theo một báo cáo, có cuộc diễn tập của 1.500 lính dù từ phía đông Mátxcơva đổ bộ xuống khu vực không xa hai thành phố Donetsk và Luhansk. Đây là các khu vực tập trung đông người Nga sinh sống, những người phản đối chính phủ tạm quyền Kiev và kêu gọi Nga bảo vệ. Donetsk là điểm xung đột dễ bùng phát nhất mấy tuần qua giữa phe ủng hộ chính quyền Kiev và lực lượng thân Nga.
Đêm 13/3, bạo lực nổ ra khi khoảng 1.000 người biểu tình ủng hộ Kiev đụng độ nhóm 2.000 người biểu tình thân Nga khiến một người chết, hàng chục người bị thương.
Mỹ ngại “chọc tức” Nga
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các cuộc tập trận sẽ kéo dài ít nhất đến hết tháng 3. Điều này khiến Mỹ lo ngại Nga sẽ thúc đẩy hoạt động quân sự sang miền đông Ukraine. Nga cũng triển khai 6 máy bay tiêm kích Su-27 và 3 máy bay vận tải tới Belarus, sau khi Tổng thống Aleksandr Lukashenko yêu cầu hỗ trợ nhằm đối phó các mối đe dọa tiềm tàng từ NATO.
New York Times dẫn lời Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov tin rằng, lực lượng quân sự Nga tập hợp sát biên giới “sẵn sàng can thiệp vào Ukraine bất cứ lúc nào”.
Trong khi quân đội Ukraine tổ chức diễn tập, NATO cũng tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật lớn nhất trong năm với quy mô 16.000 binh sĩ cách biên giới Nga 450 km.
Tại trụ sở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ở New York, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk nói rằng, ông không nghĩ Mátxcơva muốn chiến tranh.
Tờ Wall Street Journal (Mỹ) ngày 14/3 đưa tin, khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Yatsenyuk đã xin hỗ trợ quân sự, vũ khí, đạn dược và thông tin tình báo. Tuy nhiên, ông Obama từ chối vì lo ngại điều đó sẽ kích động Nga.
Từ thành phố Sochi, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhắc lại lập trường của Nga rằng, việc lật đổ ông Viktor Yanukovych là một cuộc đảo chính quân sự do lực lượng bên ngoài kích động. Ông nhấn mạnh, Nga không phải là người khởi phát tình trạng hỗn loạn tại Ukraine và tình hình ở Crimea hiện nay là khủng hoảng nội bộ của Ukraine.
Họp Hội đồng An ninh quốc gia, ông Putin phát biểu rằng, Nga “lấy làm tiếc” vì bị lôi vào những sự kiện ở Ukraine. Nga cho biết đã sẵn sàng trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Quan sát viên 21 nước dự trưng cầu ý dân Crimea
Ngày 14/3, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Crimea, ông Mikhail Malyshev, cho biết, đã có 50 nhà chính trị và quan sát viên từ 21 nước (Mỹ, Israel, Pháp, Đức, Y, Tây Ban Nha, Hy Lạp…) đăng ký dự cuộc trưng cầu ý dân Crimea thuộc Ukraine dự kiến diễn ra ngày 16/3 về việc sáp nhập bán đảo này vào Nga hay vẫn ở lại với Ukraine trong khuôn khổ vùng tự trị mở rộng.
Kết quả cuộc trưng cầu dự kiến được công bố ngày 17/3. Phiếu được in bằng ba thứ tiếng: Nga, Ukraine và Tatar. Theo thống kê chính thức, tính đến tháng 1, dân số Crimea là 1,96 triệu, trong đó, hơn 1,52 triệu người đủ tư cách bầu cử.
Đ.P
Theo Ria-Novosti