Trung Quốc thắng ở Ukraine

Tình hình Ukraine chưa hết phức tạp
Tình hình Ukraine chưa hết phức tạp
TP - Cả thế giới đang nín thở theo dõi cuộc đối đầu căng thẳng giữa Nga và phương Tây tại Ukraine như một cuộc chiến tranh lạnh mới, nhưng người chiến thắng không phải Mỹ, EU hay Nga mà chính la trung Quốc. Thực tế, trước thời điểm khủng hoảng ở Ukraine, Trung Quốc cũng hưởng lợi lớn từ Ukraine.

Mặc dù quan hệ Nga-Trung khá nồng ấm, nhưng về lợi ích chiến lược vẫn có những đề phòng. Nga không chịu bán cho Trung Quốc nhiều công nghệ hoặc vũ khí được xếp vào hàng “trấn quốc chi bảo”.

Trung Quốc đành quay sang khai thác tối đa một “mỏ vàng” là Ukraine vốn luôn chìm trong khó khăn kinh tế. Ukraine thừa hưởng một di sản quân sự khổng lồ từ thời Liên Xô.

Ukraine khát tiền, Trung Quốc khát công nghệ gặp nhau tay bắt mặt mừng. Gần như bán được gì là Ukraine bán cho Trung Quốc. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc Liêu Ninh chính là tàu Varyag của hải quân Liên Xô đóng dở bàn giao lại cho Ukraine được Trung Quốc mua về cải tạo.

Còn máy bay chiến đấu trên hạm J-15 mà Trung Quốc cũng sao chép nguyên mẫu Su-33 của Ukraine. Ukraine cũng chuyển giao cho Trung Quốc công nghệ đóng tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr và nhiều công nghệ quân sự khác thời Liên Xô. Không chỉ thế, Trung Quốc còn thuê cả triệu héc-ta đất trồng lúa mì, cung cấp về đại lục…

Nay khi Nga và phương Tây đối đầu quyết liệt ở Ukraine, Trung Quốc lại bỗng được lợi. Giữa lúc Mỹ đang ra sức tập trung sức lực, thúc đẩy chiến lược “xoay trục”, tái cân bằng cán cân sức mạnh khu vực châu Á-Thái Bình Dương hầu đối phó Trung Quốc trỗi dậy.

Đùng một cái nổ ra sự biến Ukraine, đẩy Mỹ rơi vào thế kẹt. Nguồn lực của Mỹ hiện khá eo hẹp, buộc phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, giờ lại phải gồng mình trước bóng ma chiến tranh lạnh với Nga, tình cảnh đã khó càng thêm khó.

Trường hợp trận chiến Ukraine tiếp tục tăng nhiệt, Mỹ và NATO buộc phải lập chiến tuyến ngăn bước Nga ở phía Tây. Vô hình trung, chiến lược “xoay trục” của Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn đã bị nghi ngờ tính khả thi, giờ đứng trước nguy cơ bị sao nhãng bởi lẽ Mỹ khó có thể cùng lúc căng mình chống chọi hai ông lớn. Trung Quốc vì thế sẽ dễ thở hơn, thậm chí nhân cơ hội này hô mưa gọi gió ở châu Á-Thái Bình Dương.

Không ngẫu nhiên mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger vừa lên tiếng cảnh báo chính quyền Mỹ hãy tỉnh táo nhớ rằng thử thách thật sự là kết thúc cuộc chiến thế nào, chứ không phải bắt đầu ra sao.

Hai học giả Mỹ Dimitri Simes và Paul Saunder khuyên ông Obama nếu muốn khôi phục sức mạnh nội tại cũng như bên ngoài, cần phải sớm thay đổi cách tiếp cận cuộc khủng hoảng Ukraine.

Theo họ, cuộc đấu với Trung Quốc quan trọng hơn số phận Crimea hay Ukraine, Mỹ cần tránh phản ứng theo cách hủy hoại khả năng quản lý ưu tiên tối thượng của mình.

Nếu Mỹ và phương Tây dốc sức dồn ép Nga, chắc chắn sẽ thúc đẩy Mátxcơva khăng khít hơn nữa với Bắc Kinh. Nga sẽ bán cho Trung Quốc các loại vũ khí công nghệ cao có khả năng uy hiếp Mỹ và đồng minh.

Việc cấm vận kinh tế hay tìm cách thay thế nguồn khí đốt nhập từ Nga cũng sẽ khiến Trung Quốc hưởng lợi. Mátxcơva sẽ tăng cường hợp tác với Bắc Kinh, cung cấp nguyên nhiên liệu cho cỗ máy kinh tế Trung Quốc nhiều hơn, giá rẻ hơn.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.