Khủng hoảng tài chính Mỹ: VN sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp

Khủng hoảng tài chính Mỹ: VN sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp
TPO – Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, cuộc khủng hoảng thị trường tài chính Mỹ sẽ có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Việt Nam cũng như sẽ có tác động gián tiếp đối với thị trường chứng khoán của Việt Nam trong thời gian tới.

>> Chứng khoán VN trước "cơn địa chấn tài chính" Mỹ

Khủng hoảng tài chính Mỹ: VN sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp ảnh 1
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Trao đổi với Tiền phong Online chiều 18/9, ông Bùi Kiến Thành cho biết việc nhiều chuyên gia kinh tế đang cảnh báo cuộc khủng khoảng trên thị trường tài chính Mỹ sẽ tạo ra cơn chấn động lan truyền theo kiểu quân bài domino không chỉ ở phạm vi nước Mỹ là hoàn toàn có thể xảy ra.

Điều này là do chưa ai nhìn thấy cái đáy của khủng hoảng tài chính Mỹ trong khi tình hình mỗi ngày càng trở nên trầm trọng.

Tác động trước mắt có thể nhìn thấy rõ là những ngân hàng, tổ chức tài chính nào dính vào vụ này thì ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Thực tế từ sau hôm 15/9 ở khắp nơi, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bị tác động mạnh. Đơn cử, cổ phiếu của các ngân hàng lớn ở Nhật như Mizuho, Mitsubishi UFJ, Sumitomo Mitsui hoặc Resona Holdings, trong đó một số là chủ nợ lớn của Lehman Brothers bị sụt giảm hơn 10%. Riêng cổ phiếu của Aozora Bank bị giảm đến 25%.

Theo tôi, trong một vài tháng tới, sự đổ vỡ sẽ lần lượt như kiểu quân bài domino, chưa thể biết được cú gục ngã của Lehman Brothers sẽ kéo thêm bao nhiêu ngân hàng, tổ chức tài chính, bảo hiểm đi vào kết cục giống như vậy bởi nguy cơ thiếu thanh khoản.

Vậy theo ý kiến của ông, bão tố trên thị trường tài chính Mỹ liệu có ảnh hưởng gì đến Việt Nam?

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ có thể được ví như trận bão cuồng phong rất lớn dù vẫn còn khá xa bờ đối với Việt Nam. Tuy nhiên không phải vì thế mà trận bão này không có tác động với chúng ta dù Việt Nam không phải là thị trường lớn để có thể ảnh hưởng trực tiếp. Những cơn bão, địa chấn như thế này có thể gây nên các trận sóng thần nguy hiểm.

Thế giới có những mối liên hệ với nhau nên trận cuồng phong này trước sau cũng sẽ tác động với chúng ta ở góc độ này góc độ khác. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải dự báo mức độ ảnh hưởng của nó và lập ra những lá chắn đề phòng “sóng thần” có thể xảy ra.

Phải chuẩn bị trước những phương án, chính sách để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh trong nhiều trường hợp, đề phòng những cú sốc bất ngờ nếu có ảnh hưởng xảy ra.

Cũng cần phân tích cơn địa chấn này đang lan sang châu Âu, Nhật Bản và các châu lục khác và nó sẽ lan tới Việt Nam theo hướng nào. Đây là việc làm cấp bách vì diễn tiến của nó xảy ra hàng ngày với nhiều mảng đổ vỡ khác nhau.

Dự báo của các nhà phân tích cũng cho biết các mảng đổ vỡ này trên thị trường tài chính Mỹ chưa thể dừng lại ở mức đó. Còn ở Việt Nam, theo tôi nếu nhìn theo khía cạnh tự ru ngủ với khẳng định “không có ảnh hưởng” là rất nguy hiểm.

Việt Nam chưa vào sâu trong cuộc chơi toàn cầu nên đang có lợi thế là cơn tác động này chưa lan tới. Các nền kinh tế khác trong những ngày qua đã bị ảnh hưởng. Lợi thế này tạo cho chúng ta cái nhìn tốt về một nền kinh tế “an bình” không bị bão táp làm tan vỡ.

Vấn đề này gần giống như cuộc khủng hoảng kinh tế ở khu vực châu Á hồi năm 1997 khi đó Việt Nam ít bị tác động của khủng hoảng trong khi các nền kinh tế khác trong khu vực bị đảo lộn, ảnh hưởng khá nặng nề.

Cần tận dụng lợi thế này để thu hút thêm các luồng vốn từ ngoài vào. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ chế, môi trường. Những cái gì liên quan đến chính sách có thể thực hiện thông thoáng hơn thì chúng ta nên làm.

Tôi cũng cho rằng không riêng gì Việt Nam mà nhiều quốc gia ở châu Á còn phải chịu những tác động sâu xa hơn từ việc sẽ bị mất đi một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất nếu nền kinh tế Mỹ suy thoái.

Một khi mà người tiêu dùng Mỹ thắt chặt hầu bao thì nhiều nền kinh tế dựa chủ yếu vào nguồn lợi từ xuất khẩu chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Với Việt Nam cũng vậy, hiện nay 60% GDP của chúng ta là để phục vụ cho xuất khẩu. Hơn nữa, đa số hàng hóa của chúng ta không được xuất khẩu trực tiếp mà phải các trung gian nước ngoài ủy thác và như vậy, sẽ rất thụ động.

Cùng với đó, Nhà nước cần sớm thảo luận với các doanh nghiệp xuất khẩu về vấn đề vốn, tín dụng để xem Chính phủ làm được gì hỗ trợ xuất khẩu không bị tác động quá mức. Về phía doanh nghiệp, đây là lúc các nhà sản xuất Việt Nam có thể nghiên cứu mở thị trường trong nước bằng việc hướng sự quan tâm khai thác vào các nhóm người tiêu dùng trong nước.

Ngoài những ảnh hưởng có thể nhìn thấy trước mắt đối với xuất khẩu như trên thì tác động của cuộc khủng hoảng này đối với thị trường tài chính, chứng khoán ở Việt Nam sẽ ra sao?

Những nhà đầu tư nước ngoài hiện đang tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá nhiều. Trong tình hình thị trường hiện nay cộng với tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đang diễn ra, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài, theo tôi, sẽ phải giảm bớt đầu tư vào Việt Nam.

Với những nhà đầu tư riêng lẻ như các ngân hàng, tổ chức tài chính thời gian tới cũng sẽ phải tính lại và có thể bán ra để cơ cấu lại danh mục cũng như xắp xếp lại nguồn lực đầu tư. Việc các tổ chức này bán ra mạnh liên tục trong vài ngày có thể tạo ra tâm lý bầy đàn kéo theo sự tháo chạy trên thị trường.

Chính vì vậy Ủy ban chứng khoán nhà nước, Bộ Tài chính cần ngồi lại và có sự chuẩn bị trước các phương án để hỗ trợ thị trường, cần tính toán xem khi nhà đầu tư nước ngoài rút xuống bao nhiêu thì mình sẽ có giải pháp như thế nào; rút mạnh thì sẽ ra sao.

Cụ thể nhất là phải cung cấp đầy đủ và liên tục các thông tin về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, minh bạch thông tin về tình hình doanh nghiệp và kịp thời đưa ra các khuyến cáo khi cần thiết.

Các doanh nghiệp cũng cần cung cấp thông tin rõ ràng hơn về nội lực của mình (thông tin đầy đủ, rõ ràng trấn an dự luận trước những nguy hiểm sắp tới, tạo tâm lý bình ổn), tránh tạo tâm lý bày đàn. Theo tôi việc trấn an dư luận, tạo tâm lý bình ổn thị trường là rất quan trọng.

Xin cảm ơn ông

Phạm Tuyên (thực hiện)

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.