'Khủng hoảng' lòng tốt

'Khủng hoảng' lòng tốt
TP - Hạnh phúc là chúng ta đang “khủng hoảng thừa” về lòng tốt, về nghĩa cử đồng bào, đùm bọc, yêu thương chia sẻ giúp nhau những lúc khốn khó. Như những ngày này đây, dọc dài miền Trung “đi trên đường thấy cứ 3 xe thì lại có 1 xe chở hàng hóa cứu trợ”, như nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng hôm qua, khi cùng lãnh đạo các bộ, ngành vào thăm hỏi đồng bào và làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung ngay sau những đợt thiên tai kinh hoàng liên tiếp ập xuống dải đất này. 

Nhân nghĩa ấy người Việt chúng ta kế thừa từ truyền thống cha ông ngàn đời nay. Để cùng nhau vượt biết bao nguy nan qua dặm dài lịch sử đầy bão tố của dân tộc…

Xin đừng bắt bẻ câu chữ ở đây, về hai chữ “khủng hoảng” vốn thiên về tiêu cực. Khái niệm nào cũng chỉ mang tính tương đối. Như với ngữ cảnh này, khi lòng tốt thời điểm nào đó bị dồn ứ, bị “nghẽn” không thể đến đúng và đến ngay được với nơi cần đến.  

Bởi, thừa hay thiếu, và bị “dồn ứ” kể cả lòng nhân ái, cũng đều chưa ổn. Nó cho thấy cách điều phối và sẻ chia đang có vấn đề. Đồng thời cũng bộc lộ không ít sự phân rẽ trong các tầng lớp xã hội, từ tư duy nhận thức, cho đến cách thức thực hiện công việc thuộc về trái tim hết sức nhạy cảm và cần khuyến khích này.

Thiên tai, bão lũ luôn chứa đựng yếu tố bất ngờ, bất khả kháng, với những thiệt hại không thể tránh khỏi. Đó là quy luật tất yếu đối với cả nhân loại từ xưa đến nay. Nhưng đến thời điểm này, từ góc độ người dân miền Trung, dù nhức nhối, vẫn phải đặt ra những câu hỏi. Rằng chiếc áo phao có đắt bằng thùng bia không? Mấy cuộc nhậu có thể đổi lấy một chiếc thuyền cứu hộ để sẵn trong nhà? Một ngôi nhà an toàn chống lũ chi phí vài ba chục triệu đồng có quá lớn với người dân, và với con cháu họ đang làm ăn nơi xa nếu thực sự quan tâm đến ông bà, cha mẹ mình ở quê nhà?

Làm nghề báo, từ hơn 20 năm trước, tôi đã được tiếp cận rất nhiều những dự án phi lợi nhuận, những mô hình, kinh nghiệm về nhà chống lũ và phương thức sống chung với bão lũ ở miền Trung. Đơn giản, rẻ tiền nhưng cực kỳ hiệu quả. Với những địa phương, những làng xã áp dụng các mô hình hình này, hầu như không còn chịu cảnh mất người, mất của kể cả trong những trận bão, lũ lịch sử.

Chúng ta cảm kích, và ca ngợi những tấm gương không quản hy sinh xông vào bão lũ để cứu từng người dân. Chúng ta đã, đang và sẽ còn chứng kiến từng đoàn xe, đoàn người không quản gian nan, nguy hiểm mang tấm lòng và tiền bạc, hàng hóa cứu trợ đồng bào vùng bão, lũ. 

Nhưng chúng ta đã biết gì về những con người thầm lặng đã và đang từng ngày làm thay đổi tập quán, nhận thức của cộng đồng dân cư dân miền Trung và cả nước trong việc phòng tránh và giảm thiểu thấp nhất hậu quả thiên tai?  Báo chí truyền thông, mạng xã hội đã biết gì, viết gì về họ? 

Chúng ta đang “khủng hoảng thừa” về lòng tốt với phương thức cứu trợ tự phát, xét cho cùng phần nào cũng bởi “khủng hoảng thiếu” lòng tin. Vào một bộ phận cá nhân, đoàn thể, địa phương nào đó. Tất nhiên đây là cả câu chuyện dài, mà sự minh định không thể chỉ căn cứ vào hành vi thiểu số.

Dù thế nào, nhân nghĩa đồng bào mới thực sự là nền tảng, là sức mạnh lớn lao nhất, không chỉ trước thiên tai. 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.