Khủng hoảng đại dịch virus corona: Cảm giác bất lực của người trong cuộc

Cảnh xét nghiệm tại một bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: CNN)
Cảnh xét nghiệm tại một bệnh viện ở Vũ Hán. (Ảnh: CNN)
TPO - Điều chị Shi Muyung muốn làm nhất trong Tết nguyên đán vừa qua là ở bên người mẹ đang ốm nặng. Chị bay từ Anh về Trung Quốc để dành trọn kỳ nghỉ lễ ở quê nhà Vũ Hán. Cả ngày lẫn đêm, chị ở bên giường mẹ trong bệnh viện để chăm bà.

Xung quanh chị Shi, ngày càng có thêm bệnh nhân bị ốm vì virus corona mới phát hiện. Nhưng chị không lo lắm.

Lúc đó, giới chức Trung Quốc nói rằng đợt dịch lần này “có thể ngăn chặn và kiểm soát được”.

Đến giờ, 3 tuần sau khi Shi về Trung Quốc, một điều rõ ràng là dịch virus corona đã trở thành đại dịch, và nó chưa hề bị khống chế. Virus chết người này đã lan ra khắp các tỉnh và vùng của Trung Quốc, ra khắp châu Á và sang cả châu Âu, châu Mỹ. Nó đã giết chết 213 người và gần 9.400 người bị ốm. Vũ Hán bị cô lập gần như hoàn toàn với thế giới bên ngoài.

Đầu tuần này, kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy chị Shi có thể đã nhiễm virus.

Nhưng chị không lo cho bản thân mình bằng cho người thân. Bố chị, năm nay 67 tuổi, có vẻ cũng đã nhiễm virus, và mẹ chị, người đang ốm nặng và phải nằm trong một tòa nhà cũ của bệnh viện.

Chị Shi và nhiều người khác giống như chị đã trở thành nạn nhân của một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng. Trong mấy ngày qua, CNN cho biết đã nói chuyện với nhiều bệnh nhân, nhân viên y tế và chuyên gia. Họ đã kể về tình trạng chậm trễ trong xét nghiệm virus, trong thông báo với cộng đồng về bản chất thực sự của đợt lây lan, và về một hệ thống y tế quá tải đang phải căng mình gánh vác đại dịch mở rộng nhanh chóng.

Khởi đầu

Khi Shi về đến Trung Quốc ngày 10/1, dịch bệnh do virus corona gây ra đã xuất hiện. Khi đó, vài chục người ở Vũ Hán nhiễm virus gây ra triệu chứng giống với hội chứng suy hô hấp cấp (Sars), loại virus corona bắt nguồn từ miền nam Trung Quốc vào tháng 11/2002 khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 774 người thiệt mạng trên khắp thế giới.

Ngày 7/1, các nhà khoa học Trung Quốc xác định nguyên nhân gây dịch bệnh lần này là một loại virus corona mới. Hai ngày sau đó, bệnh nhân đầu tiên chết.

Nhưng phải hơn 1 tuần sau, Shi nói rằng một bác sĩ kéo chị ra hành lang. Tình hình không tốt lắm, vị bác sĩ nói, và mọi người cần đeo khẩu trang. “Tôi thấy bác sĩ ấy đến gặp riêng từng người thân của bệnh nhân. Khi đó chúng tôi mới nhận ra tình hình đang nghiêm trọng lên”, chị Shi kể.

Đến ngày 17/1, có tổng số 41 trường hợp được xác nhận ở Vũ Hán. Chỉ 3 ngày sau đó, số ca được xác nhận tăng lên 201 trên toàn Trung Quốc, với 3 trường hợp thiệt mạng.

Dù khi đó người Trung Quốc bàn tán xôn xao về virus mới trên mạng xã hội nhưng tin về dịch bệnh mới không hề xuất hiện trên trang bìa của tờ Nhân dân Nhật báo, cho đến ngày 21/1.

Giới chức Trung Quốc xác định nơi đầu tiên xuất hiện virus corona là khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán. Ngày 3/1, giới chức y tế thành phố nói rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng cho thấy virus lây từ người sang người, và chưa nhân viên y tế nào bị nhiễm.

3 tuần sau, câu chuyện khác hoàn toàn.

Ngày 20/1, chuyên gia y tế Zhong Nanshan được chính phủ Trung Quốc chỉ định nói rằng có bằng chứng cho thấy virus lây từ người sang người. Chủ tịch TP Vũ Hán Zhou Xianwang sau đó thừa nhận thông tin về virus đã không được phổ biến tốt.

Theo luật Trung Quốc, các chính quyền địa phương phải báo cáo dịch bệnh không rõ nguyên nhân cho Ủy ban y tế quốc gia và xin phép Quốc vụ viện trước khi thông báo rộng rãi.

Nhưng Mary Gallagher, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại ĐH Michigan và là một chuyên gia về chính trị Trung Quốc, tin rằng số ca nhiễm bệnh có thể không được chính quyền Vũ Hán báo cáo đầy đủ vào thời điểm tháng 12 và đầu tháng 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 28/1 khẳng định chính phủ đang cung cấp thông tin theo cách “minh bạch và có trách nhiệm”.

Vào thời điểm số ca mắc mới tăng nhanh, hai người đàn ông mặc đồ bảo hộ kín mít đi vào phòng mẹ chị Shi và yêu cầu họ chuyển lên tầng khác trong vòng 30 phút. “Họ không nói lý do, chỉ đưa ra yêu cầu. Đến lúc tôi hỏi các nhân viên y tế khác mới biết rằng tất cả bệnh nhân ung thư như mẹ tôi phải chuyển giường để lấy chỗ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona”, Shi kể.

Chỉ vài ngày sau đó, toàn thành phố gần như bị phong tỏa.

Đến thời điểm đó, tình hình có vẻ đã quá muộn để khống chế virus, Guan Yi, một nhà virus học, nói với báo Caixin. Theo giới chức Vũ Hán, 5 triệu người đã rời khỏi thành phố này vì virus và Tết. Tính đến ngày 27/1, vẫn còn hơn 4.000 người Vũ Hán đang ở bên ngoài.

Xét nghiệm chậm chạp

Sự thật về virus corona cũng đến quá muộn với những bệnh nhân khác đang điều trị ở khắp các bệnh viện ở Vũ Hán.

Đến ngày 26/1, Shi bắt đầu bị sốt – một trong những triệu chứng của bệnh do virus corona mới gây ra. Chị đến phòng khám của bệnh viện và thấy 20 bệnh nhân đang chờ được một bác sĩ xét nghiệm.

Shi nói rằng chị được làm 3 xét nghiệm: xét nghiệm dịch mũi để loại trừ nguyên nhân cúm, chụp CT để so sánh phổi của chị với những bệnh nhân đã được xác nhận, và xét nghiệm máu. Sau 9 giờ đồng hồ xét nghiệm và chờ kết quả, một bác sĩ thông báo chị đã nhiễm virus corona, nhưng vì bác sĩ đó không thể làm xét nghiệm thứ tư và cũng là xét nghiệm quan trọng nhất nên chị vẫn bị coi là trường hợp nghi ngờ. Bố chị cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Shi gọi tới các bệnh viện trên khắp Vũ Hán, nỗ lực tìm ai đó có thể làm xét nghiệm cuối cùng cho chị. Cho đến giờ, Shi và bố chị vẫn không được tính vào số bệnh nhân nhiễm virus corona chính thức.

Ông John Nicholls, một giáo sư về bệnh lý học tại ĐH Hong Kong, nói rằng không có gì ngạc nhiên khi Shi nhiễm virus trong bệnh viện, vì virus này có thể lây lan dễ dàng trong bệnh viện nếu các bác sĩ không áp dụng biện pháp phòng ngừa phù hợp.

Những người như chị Shi phải chờ đợi tình trạng chậm trễ hoặc thậm chí chưa được xét nghiệm bước nào.

Một người dân Vũ Hán tự xưng là Leya kể rằng chị và con trai chị đã phải chờ nhiều ngày để biết họ có nhiễm virus corona hay không. Hai mẹ con được chụp CT và xét nghiệm axit nucleic để tìm virus. Nhưng đến giờ họ vẫn chưa nhận được thông tin xác nhận có bị nhiễm bệnh không, và vì thế họ vẫn không thể nhập viện. Chồng chị, bố mẹ chồng và bố mẹ chị đều đã nằm viện vì nhiễm virus, nên chị tin rằng mẹ con chị cũng đã mắc bệnh này.

“Tôi nghĩ tôi bị bệnh rồi. Tôi không biết nữa. Ngày nào tôi cũng cảm thấy đau ở vùng tim”, chị kể.

Ông bác 72 tuổi của chị Dora Jiang, cũng ở Vũ Hán, rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ông đến bệnh viện được chỉ định để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona, nhưng ông nói rằng họ trì hoãn xét nghiệm cho ông trong nhiều ngày và không cho ông nhập viện cho đến khi có kết quả chính thức, Jiang nói với CNN từ nhà chị ở Đức.

Những bài báo về tình trạng xét nghiệm chậm trễ xuất hiện khi hãng dược Trung Quốc Shanghai ZJ Bio-Tech bảo đảm rằng họ có thể sản xuất đủ bộ thử để đáp ứng nhu cầu của cả nước. Theo thông tin được báo chí Trung Quốc đăng đầu tuần này, Shanghai ZJ Bio-Tech nói rằng họ có thể sản xuất 8,000 hộp mỗi ngày và có đủ nguyên liệu dự trữ để làm bộ xét nghiệm dùng cho 2 triệu người.

Đến tối hôm sau, 28/1, Bí thư đảng ủy Vũ Hán Ma Guoqiang thừa nhận rằng trước ngày 15/1, các mẫu bệnh phẩm đều phải gửi đến Trung tâm phòng chống bệnh tật ở Bắc Kinh (CDC China). Từ giữa tháng 1, Vũ Hán mới có thể xét nghiệm khoảng 300 trường hợp mỗi ngày.

CDC China nói rằng họ đang dùng phương pháp thử RT-PCR huỳnh quang để phát hiện virus, có thể sử dụng mẫu xét nghiệm từ miếng gạc mũi, máu, nước tiểu hoặc huyết thanh.

GS Nicholls nói rằng phương pháp xét nghiệm PCR có thể hoàn tất trong vài giờ đồng hồ. Ông nói rằng xét nghiệm dịch mũi là cần thiết để loại nguyên nhân cúm thông thường, nhưng ông nghĩ khâu chụp X-quang vùng ngực và xét nghiệm máu để kiểm tra số lượng tế bào viêm chỉ gây lãng phí nguồn lực.

Tình trạng chậm trễ trong xét nghiệm khiến nhiều bệnh nhân không được điều trị kịp thời và cũng có nghĩa là quy mô đại dịch nghiêm trọng hơn nhiều so với con số công bố chính thức.

Cảm giác bất lực

Những nơi như Vũ Hán không chỉ thiếu bộ dụng cụ xét nghiệm. Giới chức thành phố này còn yêu cầu được cung cấp thêm vật tư và thông báo sẽ xây thêm 2 bệnh viện mới trong 1 tuần để tăng cường năng lực đối phó dịch.

Theo một y tá (giấu tên) ở Vũ Hán, các y bác sĩ đang phải làm việc quá tải, trong khi trang thiết bị đang rất thiếu và không còn giường trống. Có ít trang phục bảo hộ đến mức các y bác sĩ phải tự khử trùng sau mỗi ca làm việc để sử dụng lại vào ngày hôm sau. Khoảng 30-500 nhân viên y tế trong bệnh viện của cô giờ đã bị ốm và phải nhập viện, trong khi những người khác, trong đó có cô, phải tự cách ly ở nhà.

“Có rất nhiều  người không được nhập viện, nhưng không thể đổ lỗi cho y bác sĩ. Không còn giường, còn trang thiết bị  nữa. Chẳng lẽ chúng tôi phải tay không chiến đấu với dịch?” cô nói. “Ngay lúc này, các y bác sĩ đã chạm ngưỡng chịu đựng...Tôi thấy các chị em chiến đấu ở tuyến đầu và cảm thấy rất bất lực”, cô nói.

Tình hình tương tự đang xảy ra ở các bệnh viện khác của Vũ Hán. Hôm 26/1, một y tá làm việc ở Bệnh viện trung tâm Vũ Hán nói với CNN rằng ít nhât hàng chục nhân viên y tế đã bị nhiễm virus corona. Một bác sĩ tại một bệnh viện phụ sản ở Vũ Hán nói với CNN rằng các nhân viên bệnh viện đang khuyến khích những người có triệu chứng nhẹ hãy tự cách ly ở nhà.

Hệ thống quá tải

Hệ thống y tế của Trung Quốc bị kéo căng ngay cả trước khi đại dịch virus corona xảy ra, Chen Xi, một trợ lý giáo sư tại Trường Y tế cộng đồng thuộc ĐH Yale, Mỹ, cho biết.

Sau đại dịch Sars năm 2003, chính phủ Trung Quốc đầu tư nhiều tiền để xây thêm bệnh viện. Khi chính phủ bắt đầu phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thì đã quá muộn, người dân vẫn có thói quan đến viện khám bệnh vì họ cho rằng các bệnh viện đáng tin cậy hơn.

Người dân nông thôn vẫn có thói quen vượt quãng đường xa xôi để đến các bệnh viện lớn ở thành phố để khám bệnh, khiến bệnh viện ở những khu vực đô thị bị quá tải. Vào những thời điểm này trong năm, các bệnh viện ở những nơi như Vũ Hán đã vô cùng bận rộn vì dịch cúm mùa, ông Chen nói.

Giờ đây, những người như chị Shi không thể làm gì nhiều.

Tuần này, chị và bố chị tự cách ly ở nhà, và họ sợ rằng vào thăm mẹ trong bệnh viện có thể làm virus lây sang người khác.

Hôm qua, bố chị được nhập viện, còn chị vẫn phải ở nhà. Đầu tuần này, một nhân viên bệnh viện nói với Shi rằng họ không có chỗ cho chị và bố chị. Khi Shi hỏi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân như thế nào, nhân viên y tế đó trả lời: “Chúng tôi sẽ nhận họ nếu họ sắp chết”.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".