Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang xảy ra tình trạng một số bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn còn giường bệnh, trong khi bệnh nhân mắc COVID-19 ở nhà dân và công ty lại không được đưa đi điều trị kịp thời.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và việc liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19, Bình Dương đã chủ động xây dựng khẩn cấp các bệnh viện dã chiến để điều trị kịp thời cho các bệnh nhân. Theo đó, thời gian qua, chỉ trong thời gian rất ngắn, Bình Dương đã trưng dụng các trường học, nhà xưởng công ty để làm khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với sức chứa hàng chục nghìn giường.
Mới đây nhất, Tổng Công ty Becamex IDC đã phối hợp ngành chức năng trưng dụng một khu nhà xưởng để xây dựng và đưa vào hoạt động từ ngày 3/8 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với sức chứa 5.300 giường. Cùng thời điểm này, trường Đại học Việt Đức đã bố trí một khu vực để làm khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với sức chứa 3.000 giường.
Khu điều trị COVID-19 Thới Hòa với 5.300 giường vừa đưa vào hoạt động ngày 3/8 |
Bình Dương hiện có 16 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 trải rộng tất cả các huyện, thị xã, thành phố, chưa kể có 4 bệnh viện tư nhân đã vào cuộc.
Bình Dương chuẩn bị các khu điều trị, bệnh viện dã chiến rất tốt, quy mô lớn, khoa học, dụng cụ y tế đáp ứng yêu cầu trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Bênh cạnh đó, Bình Dương đang triển khai cho các F0 không triệu chứng tạo điều kiện cách ly tại nhà để theo dõi nhằm giảm áp lực cho các khu điều trị.
Tuy nhiên, hiện Bình Dương đang xảy ra tình trạng bệnh viện còn dư công suất mà F0 có triệu chứng lại chưa được điều phối nhanh để kịp thời điều trị. Có trường hợp F0 được phát hiện trong khu cách ly ở trường học do không xử lý kịp thời chuyển đến bệnh viện nên khi đưa tới đã diễn biến nặng khó chữa trị.
Các F0 trong khu dân cư, nhà máy công ty khi phát hiện, y tế không kịp thời đưa đi cách ly điều trị khiến người dân, công nhân hoang mạng lo lắng, cầu cứu cơ quan chức năng địa phương.
Khu điều trị COVID-19 tại Đại học Việt Đức với 3.000 giường hoạt động từ ngày 3/8 |
“Tôi thấy giường bệnh ở các bệnh viện dã chiến còn nhiều mà F0 cứ thủ tục rất phức tạp qua nhiều khâu, trong khi thời gian là vàng. F0 không triệu chứng nếu được chuyển đến viện sớm ngoài việc kịp thời theo dõi bệnh còn tạo tâm lý an tâm cho bệnh nhân. Nhưng tôi thấy những ngày qua, khâu đưa bệnh nhân nhập viện rất chậm”, đại diện một công ty đóng trên địa bàn TP Thủ Dầu Một nói.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn TP Dĩ An cho biết thêm: “Quá trình xét nghiệm đến công bố kết quả diễn ra rất chậm. Có trường hợp đến hơn 2 ngày chưa có kết quả, đến khi nhận kết quả dương tính thì không được xử lý nhanh khiến người lao động lo lắng muốn rời công ty”.
Từ khi dịch bệnh xuất hiện ở Bình Dương đến nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương trong các cuộc họp và ban hành công văn chỉ đạo đều nhấn mạnh về việc phải tranh thủ thời gian vàng trong điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tình trạng F0 chậm chuyển đến bệnh viện không phải do thiếu nhân lực mà do thủ tục rườm rà, chậm chập. Hành động chậm không chỉ ở khâu đưa F0 đến bệnh viện mà vấn đề tiêm vắc xin ở Bình Dương cũng tiến hành chưa đúng với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Trước việc tiêm vắc xin chậm, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã chỉ đạo yêu cầu Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nhanh và tăng tốc hơn nữa trong việc tiêm vắc xin theo chỉ tiêu được phân bổ, phải hoàn thành tiêm tối thiểu 100.000 liều/ngày để bảo đảm tiêm hết số được phân bổ trước 10/8.
Để đảm bảo kế hoạch, Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương đã ra công điện huy động lực lượng của từng cơ quan, đơn vị cùng chung tay, góp sức với các lực lượng của ngành y tế hỗ trợ ngay cho chính quyền địa phương, đơn vị trong công tác triển khai tiêm vắc xin.
Tính đến ngày 5/8, Bình Dương được Bộ Y tế phân bổ 412.160 liều vắc xin. Sau 6 đợt tiêm, Bình Dương chỉ mới thực hiện cho 86.060 người thuộc nhóm đối tượng theo quy định.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Tiền Phong đã liên hệ với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế Bình Dương. Tuy nhiên, sau khi nghe PV trình bày qua điện thoại, lãnh đạo sở nói đang bận họp, mong thông cảm.
Tính trong đợt dịch thứ tư đến nay, Bình Dương ghi nhận 22.700 ca mắc COVID-19, trong đó có gần 4.000 bệnh nhân khỏi bệnh và 136 ca tử vong.