Không thể xuyên tạc lịch sử

Không thể xuyên tạc lịch sử
TP - Dịp kỷ niệm 70 năm ngày bùng nổ Thế chiến hai, Tổng thống và Thủ tướng Nga cùng bày tỏ quan ngại trước việc lãnh đạo một số quốc gia từng trực thuộc Liên Xô đang nỗ lực phủ nhận vai trò của Hồng quân.
Không thể xuyên tạc lịch sử ảnh 1
Đài tưởng niệm ở Westerplatte, nơi bùng nổ Thế chiến hai

Thậm chí, quan chức vài nước vùng Baltic còn cho rằng, Nga và Đức phải cùng chịu trách nhiệm trong cuộc chiến này.

Thế chiến hai bắt đầu với việc phát xít Đức tấn công Ba Lan ngày 1/9/1939 tại bờ biển Westerplatte. Châu Âu và sau đó là phần còn lại của thế giới bị đẩy vào một trong những cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử, khiến gần 70 triệu người thiệt mạng và hậu quả vẫn để lại tới ngày nay.

Chiều 1/9, lãnh đạo từ khoảng 20 nước từng ở cả hai chiến tuyến, bao gồm Thủ tướng Nga Vladimir Putin Nga và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tới bờ biển Westerplatte  (Ba Lan) tham dự buổi lễ để cùng bày tỏ tiếc thương đối với các nạn nhân của cuộc chiến tranh.

Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski cũng cảnh báo chống lại mọi nỗ lực viết lại lịch sử và sự thật về Thế chiến hai. Khoảng sáu triệu công dân Ba Lan thiệt mạng khi phát xít Đức xâm chiếm nước này, trong đó có một nửa là người Do Thái.

Những vấn đề còn gây tranh cãi từ Thế chiến hai vẫn ảnh hưởng tới quan hệ Nga – Ba Lan hiện nay. Thủ tướng Nga Putin cũng có cuộc gặp với các lãnh đạo Ba Lan trong nỗ lực nhằm tạo ra xung lực mới cho mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nước.

Quan chức Chính phủ Nga Yurry Ushakov cho biết, một trong những mục tiêu của Thủ tướng Vladimir Putin khi tham dự lễ kỷ niệm tại Ba Lan là nhằm bác bỏ mọi nỗ lực viết lại lịch sử Thế chiến hai.

Trước đó, trong bài viết của mình được đăng trên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza ngày 31/8, Thủ tướng Putin bác bỏ các buộc cho rằng Moskva đã có thỏa thuận với Berlin trong việc phân chia châu Âu.

Sau khi giải thích rõ thoả thuận trong quá khứ đang gây tranh cãi, Thủ tướng Nga còn cáo buộc một số nước châu Âu đã rời bỏ Liên Xô, để họ phải một mình đối chọi với Phát xít Đức. 

Trên truyền hình T.Ư Nga ngày 31/8, Tổng thống Dmitry Medvedev cũng nhấn mạnh: “Có thể có cách đối xử khác nhau với Liên Xô và các nhà lãnh đạo của họ. Nhưng vấn đề là ai châm ngòi cuộc chiến, ai giết người và ai cứu người, hàng triệu người”.

Vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại phát xít Đức, giải phóng cho nhiều quốc gia châu Âu là thực tế lịch sử không thể phủ nhận. Tuy nhiên, một số nước vùng Baltic lại đang đi đầu trong nỗ lực xóa hết mọi dấu vết của Liên Xô dù họ từng là một phần trong đó. Ngay cả các đài kỷ niệm chiến sĩ hồng quân cũng bị chính quyền tại các nước trên cho phá bỏ...

Phát biểu trên truyền hình ARD, Thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh rằng đất nước bà sẽ không bao giờ quên hậu quả và ảnh hưởng của cuộc chiến tranh. “Đức châm ngòi Thế chiến hai. Chúng tôi tạo ra nỗi đau chưa chấm dứt cho thế giới”, Thủ tướng Merkel nói.  

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.