Hôm Thứ Ba, hai máy bay Su-27 vây chiếc không người lái MQ-9 của Mỹ. Nửa tiếng sau, một chiếc xả dầu vào quỹ đạo di chuyển, làm yếu cảm biến thu thập tình báo của MQ-9, có giá 18-32 triệu USD. Mỹ trưng ra đoạn video cho thấy Su-27 đâm vào cánh quạt và buộc Mỹ phải để nó rơi.
Vấn đề bây giờ là ai và làm sao thu hồi MQ-9 đang chìm dưới Biển Đen. Mỹ nói đã hủy dữ liệu và “tài sản” chỉ còn xác. Thực tình họ lo MQ-9 lọt vào đối thủ, khi truyền thông Nga cho hay nó ở độ sâu 800-1.500 m. Nắm được rác công nghệ cao, Nga không chỉ triển lãm nó như chiến tích tâm lý mà còn sở hữu phần cứng cảm biến, chụp ảnh, và xử lý dữ liệu.
Chiến tích vô hình đầu tiên Nga thu được có lẽ là chính trị. Chính quyền Mỹ phản ứng khiêm nhường giữa lúc ứng viên tổng thống Cộng hòa nặng ký, Donald Trump và Ron DeSantis, không ủng hộ Ukraine. Giới phân tích xem thế yếu song trùng này dễ khiến Nga được đà, rắn hơn trên chiến trường.
Còn Mỹ đã do thám tiếp nhưng về lâu dài thì sao. Có ý kiến đề nghị điều máy bay giám sát hàng hải P-8 Poseidon đang ở Romania. Cho nó lượn trên Biển Đen dường như an toàn hơn dù chấp nhận lại chọc giận Nga. Mỹ buộc phải duy trì do thám nếu muốn chứng minh không phận Biển Đen thuộc quốc tế chứ không phải Nga.
Quyết đoán ở Biển Đen, vì thế, tác động đến cách Mỹ hành xử ở Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố bất hợp pháp chủ quyền hầu hết vùng trời. Nếu vậy, khi lại đưa tình báo điện tử tới Biển Đen, có ý kiến đề nghị cử máy bay hộ tống. Anh quốc gần đây vài lần điều do thám điện tử RC-135W vào Biển Đen, được hộ tống bởi phản lực Typhoon, và nó trở về nguyên vẹn.
Khó khẳng định MQ-9 bị cố tình bắn hạ nhưng can thiệp của Nga đến hoạt động của nó là khả thể. Có ý kiến nói Nga dám nẫng tay trên MQ-9 nhưng khó dám bắn rớt thiết bị mới của đối thủ. Từng thấy tàu bay P-8As với chín người vận hành săn tàu ngầm Nga ở Địa Trung Hải năm 2020 mà phản lực SU-35 không dám chặn. Nay nếu xảy ra không chiến trên bán đảo Crimea và bất thành cho Nga, dễ có hiệu ứng tệ cho một bên tham chiến ở Ukraine.