“Thực tế, đó là điều duy nhất tôi có thể nói với các bạn về quyết định này,” ông nói thêm.
Trước đó, ngày 17/3, Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt Tổng thống Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova.
Chủ tịch Ủy ban Điều tra Nga Alexander Bastrykin tuyên bố đã ra lệnh điều tra việc ICC ban hành lệnh bắt giữ bất hợp pháp các công dân Nga. Là một phần của quá trình điều tra, ủy ban sẽ “xác định các thẩm phán ICC đã đưa ra phán quyết rõ ràng là bất hợp pháp này”.
Tòa án Hình sự Quốc tế được thành lập theo Quy chế Rome năm 1998, và không phải là một phần của Liên Hợp Quốc. Năm 2016, ông Putin đã ký sắc lệnh tuyên bố Nga sẽ không trở thành một bên của ICC.
Phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya nói: "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome. ICC không có thẩm quyền đối với Nga và công dân Nga. Chúng tôi coi bất kỳ tài liệu nào xuất phát từ cơ quan này là bất hợp pháp và vô hiệu."
Ủy viên Quyền trẻ em của Nga - Maria Lvova-Belova nói động thái của ICC là bằng chứng cho thấy “những cách khác để đe dọa Nga đã cạn kiệt”.
“Việc này thật kỳ lạ. Tôi nghĩ đó là một ví dụ sinh động cho thấy khi các bạn đã hết cách để đe dọa một quốc gia, các bạn bắt đầu nghĩ ra những thứ kỳ lạ như thế này”, bà Lvova-Belova nói.