Tôi gửi xe và cuốc bộ ra đường trở về nhà. Bên góc cây, một bà cụ đang ngồi bó gối. Đến gần, tôi thấy bà đang khóc. Ngước nhìn tôi rồi bà đứng dậy đi ra chỗ khác.
Tôi chạy đến: “Bà, sao khuya thế này, bà còn ngồi đây? Cháu giúp được gì cho bà không?”. Bà cụ khoảng 70 tuổi nhìn tôi hồi lâu, cất lời, giọng Nghệ An.
“Tui đi thăm con gái. Hắn đang trọ ở địa chỉ ni…”. Bà đưa tôi tờ giấy ô ly nhàu nát: “Ly, ở nhà trọ số…, số điện thoại…”.
Tôi hỏi: “Sao bà không đến nhà trọ con gái mà ở đây giờ này? Cháu đưa bà đến địa chỉ nhà đấy, hoặc cháu gọi điện cho con gái bà ra đón nhé”. Bà sụt sịt: “Thôi chú ạ, tui ở đây sáng mai về”.
Bà kể, bà bắt xe từ quê Yên Thành, Nghệ An ra thăm con gái vì lâu rồi không liên lạc được. Khoảng 11h đêm bà tới địa chỉ con gái cho cách đây mấy tháng.
Bà đến nhà trọ con gái gõ cửa. Một nam thanh niên mở. Bà giới thiệu là mẹ Ly ra thăm con gái. Thanh niên này chưa kịp mời bà vào thì cô Ly chạy ra bảo: “Bà này đâu phải mẹ em”. Rồi đóng cửa.
“Có lẽ hắn sợ xấu hổ với bạn trai hay răng? Thấy tui hắn không nhận là mẹ. Tui trông nghèo khổ thế này, gặp nó cũng ngại. Nó cũng chưa giàu có chi, vẫn phải làm việc vất vả kiếm tiền chú ạ”. Tôi hỏi: “Con gái bà làm gì ạ?”.
“Hắn học trường nhạc họa ra, không biết nó mần chi”. Tôi đề nghị: “Cháu sẽ đưa bà về nhà trọ con gái bà, rồi sáng mai bà về cũng được. Ngồi đây nguy hiểm lắm, bà lại già rồi sẽ ốm đấy ạ”.
Tôi thắc mắc: “Sao trên đời này lại có chuyện con không nhận mẹ? Bà có vào nhầm nhà không?”. Bà nói: “Con gái tui, răng tui nhầm được chú. Tui không vô nhà nó nữa mô, vì vô đó nó xấu hổ với bạn trai thì sao”.
Tôi kiên quyết thuyết phục đưa bà vào nhà cô gái tên Ly. Tôi muốn xác nhận có phải bà không bình thường không và chuyện con không nhận mẹ kia có thật hay không. Bà miễn cưỡng theo tôi và liên tục nói: “Chú ơi, hay là đừng vô nữa”.
Tôi đứng trước căn phòng trọ khu tập thể, nhìn lại địa chỉ trên giấy một lần nữa trước khi gõ cửa. Tôi gõ cửa, lập tức đèn tắt phụt. Tôi im lặng một lúc, đánh lạc hướng rồi nhấc điện thoại gọi cho số ghi trên giấy. Chuông đổ, giọng cô gái trả lời và đây là cuộc đối thoại của chúng tôi:
+ Ai đấy?
- Cô Ly phải không?
+ Đúng rồi.
- Tôi đang đứng trước cửa nhà cô, với mẹ của cô. Cô mở của đi, mẹ cô đã đứng ngoài trời mưa phùn lâu rồi.
+ Anh là ai mà lắm chuyện thế. Ai là mẹ tôi? Vớ vẩn. Tôi tắt máy đây.
- Cô đừng tắt, tôi nói nhanh thôi. Cô nói giọng Nghệ An. Bà cụ này cũng Nghệ An. Nếu không phải là mẹ cô, tôi nghĩ bà cũng họ hàng, hoặc cùng quê quán với cô. Cô cho bà vào ngủ nhờ, mai bà về được không?
+ Không. Lắm chuyện (tắt máy).
…Bà nhìn tôi bảo: “Thôi không phiền chú nữa. Tui ra chỗ bảo vệ tôi ngồi một lúc, trời cũng sắp sáng rồi. Sáng mai tui bắt xe về. Chú về nghỉ đi”. Không lẽ bà cụ nhìn phúc hậu, đậm chất phụ nữ miền Trung này là có vấn đề về trí nhớ sao? Tôi hỏi bà mấy câu gọi là kiểm tra trí nhớ, bà rất minh mẫn. Tôi đề nghị: “Bà về nhà cháu ở tạm, mai về nhé”.
Bà xua tay: “Tui không quen ở thế chú ơi. Ở nhà tui cũng ít ngủ lắm. Chú về nghỉ đi, tui qua chỗ mấy ông bảo vệ, tui ngồi ở ghế đá cũng được”.
Tôi nói: “Không được bà ơi, khuya thế này không được đâu. Hay thế này nhé, cháu đưa bà vào nhà nghỉ gần đây. Bà nghỉ tạm, mai về nhé”. Bà giật nảy: “Không, không, không. Cả đời ni tui đã vô khách sạn, nhà nghỉ khi mô mà giờ lại vô. Không được. Tui nói rồi, tui ngồi ở ghế đá trong trường kia là được. Tui già cả, lại có chi mô mà sợ cướp bóc”.
Nói thế nào cũng không được, tôi đành đưa bà vào ghế đá ở trường. Dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, tôi nhìn thật lâu. Tôi nói: “Cháu nhìn kỹ bà để sáng mai, cháu sẽ đến phòng trọ con gái bà, xem có giống bà không. Biết đâu cô đó không phải con gái bà thì sao”.
Bà cười: “Nó là con tôi, sao lại không phải được chứ”. Tôi sang gặp anh bảo vệ, trao đổi câu chuyện. Anh bảo vệ bảo: “Cứ chiều ý bà đi, đừng ép nữa. Tôi sẽ canh chừng và ngày mai sẽ bảo xe ôm chở bà ra bến xe”.
Câu chuyện của bà quả thật khiến tôi khó ngủ. Trời sáng, tôi sẽ tìm cho bằng được cái cô này, xem cô ta thế nào. Phần để giải tỏa thắc mắc, phần nữa xem ai trên đời này lạnh lẽo đến thế không.
Sáng hôm sau, tôi đi làm sớm, ngồi uống nước trà hướng mắt về căn nhà trọ hôm qua tôi và bà đến. Khoảng 8h một cô gái bước ra, đi sau là một nam thanh niên.
Cô gái giống bà cụ hôm qua quá, giọng đặc sệt Nghệ An. Tôi lấy điện thoại sim rác gọi xác minh xem cô này có phải là cô hôm qua tôi gọi không.
Chuông đổ, tôi nhìn thấy cô gái đưa điện thoại lên tai: “A lô, Ly nghe đây…”. Tôi tắt máy. Cô gái càu nhàu: “Lại nháy máy, toàn gặp bọn dở hơi”. Rồi cô lên xe máy ôm eo bạn trai vù qua mặt tôi.